Láng giềng Việt Nam xây dựng thành công siêu sân vận động hơn 300 tỷ đồng, sức chứa 77.000 chỗ ngồi, đạt tiêu chuẩn FIFA
Sân vận động này chủ yếu được sử dụng cho các trận đấu bóng đá, nhưng cũng là nơi diễn ra các sự kiện thể thao quan trọng khác như điền kinh hay các buổi hòa nhạc lớn…
Sân vận động Gelora Bung Karno (hay sân vận động Bung Karno) tọa lạc ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Đây là sân mái vòm được xây dựng theo tiêu chuẩn của FIFA. Nó không chỉ là một trong những sân vận động lớn và nổi tiếng nhất ở Indonesia mà còn là sân vận động hàng đầu Đông Nam Á. Sân vận động cũng là một biểu tượng quan trọng trong lịch sử thể thao của quốc gia này.
Được biết, sân Bung Karno được khánh thành vào năm 1962 (xây dựng từ tháng 2/1960) để phục vụ cho Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) lần thứ 4, do Indonesia đăng cai tổ chức. Theo trang web TFC Stadiums, chi phí xây dựng sân vận động này vào khoảng 12.500.000 USD, tương đương hơn 313 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.
Với sức chứa ban đầu lên đến 110.000 chỗ ngồi, sân vận động này từng là một trong những sân vận động lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sau nhiều lần cải tạo và nâng cấp, sức chứa hiện tại của sân vận động là hơn 77.000 chỗ ngồi.
Những cải tạo này bao gồm việc bổ sung mái che và các trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tăng cường sự thoải mái và an toàn cho khán giả.
Sân vận động Gelora Bung Karno chủ yếu được sử dụng cho các trận đấu bóng đá, nhưng cũng là nơi diễn ra các sự kiện thể thao quan trọng khác như điền kinh hay các buổi hòa nhạc lớn…Điển hình, Bung Karno từng là địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc của ban nhạc “Deep Purple” vào năm 1975, trong đó có khoảng 150.000 người hâm mộ đã tham dự buổi hòa nhạc, vượt quá sức chứa chính thức của sân vận động.
Đáng chú ý, sân vận động cũng có một khu vực riêng biệt gồm 200 chỗ ngồi dành cho người hâm mộ khuyết tật. Một điều không thường thấy ở nhiều sân vận động ở châu Âu hoặc châu Á.
Bung Karno là sân nhà của Đội tuyển bóng đá Quốc gia Indonesia và đã tổ chức nhiều trận đấu quốc tế quan trọng, bao gồm cả các trận đấu vòng loại World Cup và Cúp bóng đá châu Á (Asian Cup). Bung Karno cũng được mệnh danh là “chảo lửa” tại Indonesia.
Gelora Bung Karno không chỉ là một địa điểm thể thao, mà còn là biểu tượng văn hóa và lịch sử của Indonesia, phản ánh sự phát triển và tầm quan trọng của quốc gia này trên trường quốc tế.
Tổng hợp