Siêu dự án tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới: Chiều cao 2.000m với chi phí hơn 125 nghìn tỷ, xô đổ mọi kỷ lục của lịch sử loài người
Việc xây dựng một tòa nhà siêu cao có thể là chất xúc tác cho sự phát triển hơn nữa, đồng thời đóng vai trò thu hút các dự án đầu tư khác.
Ả Rập Xê-Út đang lên kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 2.000m, nằm gần Sân bay Quốc tế King Khalid ở Riyadh, tạp chí Architects' Journal đưa tin. Đáng chú ý, với độ cao này, tòa nhà dự kiến cao hơn gấp đôi chiều cao của tháp Burj Khalifa ở Dubai (828m) - tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay.
Được biết, dự án này là của công ty Foster + Partners và được Quỹ đầu tư công cộng (PIF) của quốc gia Trung Đông hỗ trợ.
Theo một số nguồn tin giấu tên, các công ty như Skidmore, Owings và Merrill (SOM) - nhà thiết kế Burj Khalifa - có vẻ đang cạnh tranh để được tham gia vào quá trình thiết kế tòa nhà chọc trời mới. Một vài ước tính được đăng trên trang web Arabian business chỉ ra, chi phí để xây dựng và hoàn thiện tòa nhà 2.000m này vào khoảng 5 tỷ USD, tương đương hơn 125 nghìn tỷ đồng, theo tỷ giá hiện tại.
Hiện nay, đơn vị phụ trách chỉ mới cập nhật thông tin về địa điểm, chiều cao và dự đoán về chi phí xây dựng, còn các thông tin khác chưa được công bố. Có thể nói, việc xây dựng một tòa nhà siêu cao có thể là chất xúc tác cho sự phát triển hơn nữa, đồng thời đóng vai trò thu hút các dự án đầu tư khác.
Tuy nhiên, siêu dự án tòa nhà chọc trời này sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại tiềm ẩn. Ví dụ, tải trọng gió ở độ cao khủng như vậy là cực kỳ lớn, vì vậy, nền móng ở mặt đất là một thách thức - buộc phải được xây dựng vững chắc tuyệt đối để chống đỡ trọng lượng công trình.
>> Kinh ngạc tòa nhà 49 tầng hơn 1.000 tỷ đồng bị ‘đắp chiếu’ 27 năm giữa lòng thủ đô Thái Lan