Lật tẩy các chiêu thức 'giăng bẫy' mới của tội phạm tín dụng đen
Qua quá trình điều tra các tổ chức tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện loại tội phạm này hoạt động rất tinh vi và có vô vàn cách tiếp cận "giăng bẫy" người dân.
Những kiểu “giăng bẫy” khách hàng
Bà Đặng Thị B. (44 tuổi, ở phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) gặp tình cảnh điêu đứng, có nguy cơ mất nhà bởi rơi vào bẫy tín dụng đen.
Ban đầu, vì xây cất nhà thiếu 500 triệu đồng, bà B. thông qua quan hệ xã hội đã vay của một người ở địa phương số tiền này với lãi suất 60 triệu đồng/tháng. Thời gian ngắn sau, thông qua người này, người kia giới thiệu bà B. lại vay thêm 1 tỷ đồng của một người khác với lãi suất 120 triệu đồng/tháng.
Chính vì lãi suất “cắt cổ” như thế mà bà B. dần dần lún sâu vào bẫy của những kẻ cho vay nặng lãi. Sau gần 1 năm, bà B. phải chịu tiền gốc và lãi phát sinh lên hơn 6,5 tỷ đồng. Quá trình đó, các đối tượng buộc bà B. phải ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng chính căn nhà vừa xây và 2 mảnh đất của gia đình.
Khi thấy bà B. hết khả năng chi trả tiền lãi hàng tháng, các đối tượng này bắt đầu gây áp lực, dọa dẫm để lấy căn nhà mà gia đình bà B. xây dựng nhưng chưa ở được bao lâu. Bà B. cho biết đang tố cáo các đối tượng cho vay nặng lãi kiểu “hút máu” này đến Công an TP Cần Thơ.
Về thủ đoạn cho vay nặng lãi dưới hình thức tinh vi ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng tài sản như trên, trong những năm qua, những ổ nhóm tín dụng đen đã sử dụng khá nhiều ở các địa phương.
Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công an và công an các tỉnh thành trong cả nước đang quyết liệt đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen khi “vòi bạch tuộc” của chúng len lỏi khắp nơi.
Trước biện pháp mạnh này, tội phạm tín dụng đen hạn chế các hình thức tiếp cận, mời gọi khách hàng kiểu truyền thống như phát, dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, cho vay lãi núp bóng tiệm cầm đồ… Thay vào đó, hoạt động tín dụng đen bùng phát trên các nền tảng mạng xã hội, app cho vay tiền.
Chỉ cần tìm kiếm từ khoá “vay online” trên Google, trong 0,38 giây đã cho ra hơn 70 triệu kết quả; hay như từ khoá “app vay tiền” trong 0,26 giây có 16 triệu kết quả.
Qua quan sát sơ bộ có thể thấy, app cho vay nào cũng quảng cáo là nhanh chóng, uy tín, người vay chỉ cần thao tác trên mạng, khai báo thông tin yêu cầu và nhận tiền vào tài khoản ngân hàng vô cùng tiện lợi.
Một thủ đoạn mới khác của tội phạm tín dụng đen là chiêu trò "chuyển nhầm" tiền vào tài khoản của ai đó, mục đích là bắt buộc nạn nhân vay tiền dù không có nhu cầu. Tiếp đó, có kẻ tự nhận là nhân viên ngân hàng hay công ty tài chính liên hệ với nạn nhân qua điện thoại và thực hiện thu hồi nợ với lãi suất "cắt cổ". Sau đó, nạn nhân lại đối diện với những thủ đoạn chửi bới, đe dọa…
Các đối tượng cho vay còn dùng chiêu thức nhắn tin có đường link hoặc quảng bá trên mạng xã hội giả mạo thương hiệu ngân hàng để lừa người dân vay tiền.
Lộ diện các mô hình tín dụng đen tinh vi trên mạng
Từ những vụ án được khám phá, Bộ Công an và Công an các tỉnh thành đã làm rõ những mô hình cũng như cách thức hoạt động tinh vi của các ổ nhóm tín dụng đen. Đặc biệt, nhiều ổ nhóm có sự điều hành phía sau của tội phạm người nước ngoài ở Trung Quốc, châu Âu…
Mới đây, Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Quảng Nam "cất lưới" chuyên án về đường dây cho vay nặng lãi 20.000 tỷ đồng hoạt động trên không gian mạng, có số nạn nhân ở khắp các tỉnh thành.
Nhóm cầm đầu có 3 người Trung Quốc đã chỉ đạo một số người Việt thành lập các công ty “ma”, tổ chức cho vay thông qua ứng dụng Great Vay trên điện thoại với lãi suất 2.346%/năm, có máy chủ lưu trữ dữ liệu người vay đặt tại Singapore.
Các đối tượng này xây dựng nhiều app phụ để cho vay với chu kỳ ngắn hạn 7 ngày, lãi suất 45% (tương đương 2.346%/năm). Nhóm này còn tổ chức thêm nhiều chân rết khắp các tỉnh thành để vận hành hệ thống cũng như phục vụ việc thu hồi nợ.
Theo thông tin điều tra, băng nhóm tội phạm đã tổ chức tinh vi các hoạt động rửa tiền qua hàng ngàn tài khoản ngân hàng không chính chủ, bằng cách mua bán bất động sản, chuyển trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng các con đường khác nhau.
Giai đoạn giữa năm, Công an TP.HCM đã vạch trần thủ đoạn, mô hình của 3 công ty cho vay thông qua 2 trang web tamo.vn và findo.vn với lãi suất từ 401,5%/ năm đến 1.379,7%/năm, do đối tượng Aigars Plivčs (38 tuổi, quốc tịch Latvia) điều hành.
Hai trang web trên do tập đoàn Sun Finace (trụ sở tại Latvia) thiết lập, thông qua 3 pháp nhân là Công ty Sofi Solutions, Digital Credit và Fincap VN để hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.
Người vay chỉ cần khai báo thông tin trên trang web và sẽ nhận tiền vào tài khoản. Khi đó, hệ thống tự động thành lập 3 hợp đồng điện tử gồm: Hợp đồng cho vay cầm đồ, hợp đồng cầm cố tài sản với Công ty Digital Credit/ Công ty Fincap và hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Sofi Solutions.
Các bên đều không ký kết gì trên hợp đồng. Đây thực chất là chiêu thức tinh vi nhằm né các quy định xử lý hành vi cho vay nặng lãi theo pháp luật trong nước.
Với cách thức hoạt động tương tự như trên, ổ nhóm tín dụng đen núp bóng 6 công ty (trụ sở tại tòa nhà Thủy Lợi 4, đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh) do Maksim Zubkov (41 tuổi) điều hành cũng đã bị Công an TP.HCM khởi tố.
Các công ty núp bóng dịch vụ cầm đồ nhưng thực chất tổ chức cho vay tín dụng tiêu dùng trái quy định bằng hình thức trực tuyến thông qua các website như senmo.vn, thantaioi.vn, caydenthan.vn… với lãi suất từ 183%/năm đến 2.555%/năm.
Tăng cường giám sát công tác phòng chống ‘tín dụng đen’ và lừa đảo công nghệ cao
Vỡ nợ tín dụng đen: Hàng trăm tỷ đồng của người dân 'bốc hơi' và những bi kịch đằng sau