Lấy ý kiến để sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Sau 15 năm, Luật thuế TNDN đã đạt nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ hạn chế.
Sáng ngày 6/9 tại Cần Thơ, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến tham gia đối với Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi". Hội thảo nhằm thu thập ý kiến từ các cơ quan trung ương và địa phương trước khi trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10.2024.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, cho biết Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sau hơn 15 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo ông, luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế và không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn cũng như các mục tiêu phát triển mới của nền kinh tế.
Qua thực tế, Luật thuế TNDN hiện hành vẫn chưa theo kịp sự thay đổi và phát triển kinh tế, xã hội. Việc chưa đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật và các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một trong những điểm cần được khắc phục.
Theo định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi Luật thuế TNDN là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế mới và tăng cường hợp tác quốc tế về thuế.
Trong thời gian qua, dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được gửi để lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức và cá nhân cũng có cơ hội đóng góp ý kiến thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính, đảm bảo tính minh bạch và sự tham gia rộng rãi của xã hội.
Hình ảnh tại Hội thảo, nguồn: Internet |
Luật thuế TNDN hiện hành, được Quốc hội thông qua vào năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2009, đã trải qua ba lần sửa đổi vào các năm 2013, 2014 và 2020.
Một trong những thành công của luật này là việc loại bỏ sự phân biệt về chính sách thuế giữa các thành phần và loại hình doanh nghiệp, đồng thời giảm nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% và sau đó còn 20%.
Tuy nhiên, ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh rằng các thay đổi về chính sách thuế cần tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển mới của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Quá trình cải cách chính sách thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế ưu tiên phát triển.
Việc tiếp tục cải cách và sửa đổi Luật thuế TNDN không chỉ nhằm giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
4.500 người bán hàng online bị phạt và truy thu 300 tỷ đồng thuế
Bộ Tài chính đã miễn giảm, gia hạn thuế gần 90 nghìn tỷ đồng