Chi nhánh thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba, Lazada mới đây đã được “bơm” một số tiền lớn nhằm đương đầu với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cuộc chiến TMĐT Đông Nam Á.
Theo đó, “gã khổng lồ” thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Alibaba đã chuyển thêm một khoản tiền trị giá 845,44 triệu USD vào Lazada, theo báo cáo trong hồ sơ của Tech in Asia. Khoản tài trợ này dự kiến sẽ giúp Lazada hỗ trợ các thương nhân địa phương, trang bị cho họ để vượt qua sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường địa phương.
“Bơm” một số tiền lớn
Theo tính toán, khoản tài trợ mới nhất này nâng tổng số vốn đầu tư của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào Lazada lên gần 6 tỷ USD kể từ khi mua lại cổ phần kiểm soát của công ty vào năm 2016, với khoản đầu tư lớn 1 tỷ USD sau đó.
Theo các chuyên gia phân tích, việc tái tổ chức gần đây của Alibaba thành sáu đơn vị kinh doanh, bao gồm cả việc đặt Lazada vào Nhóm Kinh doanh Kỹ thuật số Quốc tế, là một động thái chiến lược nhằm tăng tính linh hoạt và tự chủ, có khả năng mở đường cho đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trong tương lai của Lazada.
Đồng thời, việc Lazada liên kết với Nhóm Kinh doanh Kỹ thuật số Toàn cầu của Alibaba, cùng với AliExpress, Trendyol và Daraz, có thể sẽ giúp công ty khởi nghiệp này phát triển một mạng lưới các nền tảng thương mại điện tử nổi bật dưới sự bảo trợ của Alibaba.
Các nhà phân tích trong ngành đã nêu bật những lợi ích tiềm năng của việc phân cấp này, cho thấy rằng nó có thể mang lại cho Lazada sự linh hoạt để đưa ra các quyết định nhanh hơn và mang tính địa phương hơn, phục vụ cho các thị trường đa dạng và phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, động thái IPO cho Lazada có thể cung cấp khả năng tiếp cận nguồn vốn bổ sung, mở ra các cơ hội tăng trưởng hơn nữa và cho phép nền tảng này mở rộng dịch vụ và tiếp cận thị trường.
Theo một báo cáo gần đây của nhà đầu tư mạo hiểm Momentum Works, Lazada đã giữ vị trí thứ hai trong số các nền tảng thương mại điện tử của Đông Nam Á về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm ngoái, đạt mức ấn tượng 20,1 tỷ USD. Đứng đầu bảng xếp hạng là Shopee, đảm bảo vị trí đầu tiên với GMV là 47,9 tỷ USD.
Tìm lại vị thế?
Trên thực tế, ngay cả trước khi Alibaba, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc thâu tóm Lazada để mở rộng phạm vi tiếp cận của mình trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2016, nền tảng này vốn đã được định vị là một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất khu vực.
Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện lâu năm trên thị trường, cả Lazada và Shopee hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ những người chơi mới nổi như TikTok Shop. Giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew, gần đây đã công bố các kế hoạch đầu tư đáng kể vào Đông Nam Á, khi nhận thấy tiềm năng phát triển nhanh chóng của khu vực.
TikTok Shop là nền tảng thương mại điện tử của ứng dụng video ngắn TikTok, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance. Ứng dụng mua sắm cho phép người bán, thương hiệu và người sáng tạo giới thiệu và bán hàng hóa của họ cho người dùng.
Vào năm 2022, TikTok Shop đã mở rộng sang sáu quốc gia Đông Nam Á bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Mặc dù mới nhưng tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của TikTok Shop đã tăng vọt hơn 4 lần lên 4,4 tỷ USD ở Đông Nam Á vào năm 2022, theo dữ liệu nội bộ do hãng truyền thông công nghệ The Information thu được. TikTok Shop được cho là đang hướng tới mục tiêu GMV là 12 tỷ USD vào năm 2023.
“TikTok tiếp tục phát triển nhanh chóng ở các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa của TikTok vào năm 2023 sẽ đạt 20% của Shopee, điều này đã thúc đẩy các “ông lớn” thương mại điện tử khu vực như Shopee hay là Lazada buộc phải tăng doanh số bán hàng và tiếp thị một cách phòng thủ kể từ tháng 4”, Shawn Yang, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus, cho biết trong một báo cáo gần đây.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt tại các thị trường địa phương, Lazada sẽ buộc phải tiếp tục “bạo tay” hơn nữa trong cuộc chiến “đốt tiền” cùng các nền tảng thương mại khác thì mới mong tìm kiếm được chỗ đứng vững chắc tại Đông Nam Á.
Lịch sử khu vực đã từng chứng kiến cuộc đua “đốt tiền” giữa Uber và Grab trong những năm trước đây. Khi thị trường bị phân mảnh và các bên tham gia vào một cuộc cạnh tranh gay gắt, việc ai “bạo chi” hơn người đó sẽ là bá chủ. Bởi một lúc nào đó, đối thủ gặp phải khó khăn và buộc phải bán doanh nghiệp của mình, đây chính là cái cách Uber rời khỏi Đông Nam Á vào năm 2018, nhường lại sân chơi cho Grab.
Rõ ràng, số tiền “khủng” mà Alibaba vừa tiếp thêm cho Lazada ở thời điểm hiện tại không khác gì một liều “doping” cần thiết để nền tảng thương mại điện tử này có thể duy trì vị thế và tăng cường hơn nữa sự hiện diện tại Đông Nam Á.