Từ ngày 3/10, Lazada bắt đầu miễn mọi loại phí cho tất cả thương gia Indonesia khi livestream bán hàng trên nền tảng này.
Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada của Alibaba đang tìm cách lôi kéo những người bán hàng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới nhất của Indonesia, theo CEO Lazada Indonesia James Chang. Trong cuộc họp toàn nhân viên hôm 6/10, ông Chang cho biết kể từ ngày 3/10, công ty đã miễn các loại phí cho tất cả thương gia livestream bán hàng trên Lazada.
“Với doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa bị ảnh hưởng do thay đổi trong quy định gần đây, chúng ta sẽ hỗ trợ họ đến với Lazada”, ông nói thêm.
Vài tuần gần đây, Indonesia cấm các nền tảng mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử, chẳng hạn TikTok, nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Tổng thống Joko Widodo cho rằng hàng hóa nhập khẩu tràn ngập thị trường góp phần khiến doanh thu của doanh nghiệp nội sụt giảm.
Indonesia cấm mua sắm trên mạng xã hội và ra hạn một tuần để TikTok tuân thủ, trở thành ứng dụng độc lập mà không có tính năng TMĐT nếu không muốn bị đóng cửa. Đáp lại, TikTok Indonesia nói sẽ chấp hành luật pháp địa phương và dừng chức năng mua bán.
Tại cuộc họp nhân viên, ông Chang nhận xét thay đổi quy định mới dẫn đến “môi trường cạnh tranh tích cực và lành mạnh hơn cho việc tăng trưởng dài hạn của ngành”. Ông bổ sung, những thương gia mới đăng ký sẽ không phải trả phí hoa hồng người bán trong 3 tháng, không phải trả phí giao hàng trong 2 tháng và được tặng tín dụng 300.000 rupiah.
TikTok là nguy cơ đang lên đối với những người chơi TMĐT như Lazada và Shopee tại Indonesia, cũng như phần còn lại của Đông Nam Á. Theo hãng nghiên cứu Momentum Works, TikTok đạt 2,5 tỷ USD GMV ở quốc gia này trong năm 2022. Sachin Mittal, nhà phân tích của ngân hàng DBS Bank, nhận xét việc mua sắm bốc đồng khi xem nội dung là một lợi thế của TikTok.
Trong khi đó, Lazada đứng thứ ba tại Indonesia với thị phần 10%, sau Shopee (36%) và Tokopedia (35%), vẫn theo Momentum Works. Indonesia là thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á năm 2022, đóng góp 52% GMV khu vực.
Theo quy định mới, chính phủ Indonesia yêu cầu các nền tảng TMĐT trong nước áp dụng mức giá tối thiểu 100 USD đối với một số mặt hàng nhất định mua trực tiếp từ nước ngoài. Tất cả sản phẩm đều nên đáp ứng tiêu chuẩn địa phương.
Ngân hàng Citi nhận định, dù việc đóng cửa ngay lập tức có lợi cho những hãng khác (bao gồm Tokopedia, Shopee, Lazada…), quy định sửa đổi về cuối cùng sẽ hạn chế sự thống trị của những người chơi ngoại trên thị trường TMĐT Indonesia cùng với hàng hóa nhập khẩu. Trong trung và dài hạn, Citi tin rằng chính phủ tiếp tục bảo vệ doanh nghiệp nội địa.
Trả lời CNBC, người phát ngôn Lazada tiết lộ người bán hàng và doanh nghiệp địa phương chiếm phần lớn trên nền tảng.
(Theo CNBC)
Làm rõ định hướng thu thuế đối với sàn TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số
Quốc hội Quốc hội thông qua dự án Luật Dược sửa đổi, cấm bán online thuốc kê đơn