Xã hội

Liên tiếp các trường hợp tử vong vì bị chó cắn: Hồi chuông cảnh báo người dân tuyệt đối không được chủ quan với bệnh dại

Dương Uyển Nhi 25/06/2024 08:09

Hiện nay, chưa có thuốc chữa bệnh dại nên khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong cho cả người và động vật là 100%.

Ngày 22/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương xác nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn. Nạn nhân là ông V.V.T, 49 tuổi, sinh sống tại thôn Tân Trường, xã Lê Lợi, TP. Chí Linh.

Theo thông tin từ gia đình, khoảng 2 tháng trước, ông T. bị một con chó lạ cắn vào tay trái. Tuy nhiên, sau vụ việc, ông chủ quan, không đi tiêm phòng dại dù được gia đình nhắc nhở.

Đến ngày 16/6, ông T. bắt đầu có biểu hiện tê cánh tay trái. Những ngày tiếp theo, tình trạng tê liệt lan rộng, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn. Sau khi thăm khám tại cơ sở y tế địa phương, nghi ngờ mắc bệnh dại, ông T. được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào ngày 18/6.

Ngày 19/6, ông T. được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán xác định mắc bệnh dại. Ông T. đã tử vong vào sáng ngày 20/6.

(Ảnh minh hoạ: Internet)

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Trước đó vào sáng 15/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận một bé trai 7 tuổi (trú tại huyện Hàm Yên) trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện như mệt mỏi, nôn ra máu, da tái nhợt, kích thích vật vã, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng... Theo chẩn đoán ban đầu, bé trai có dấu hiệu nghi mắc bệnh dại. Theo gia đình, bé bị chó cắn cách đó một tháng. Con chó sau khi cắn bé đã chết, tuy nhiên gia đình chủ quan không đưa bé đi tiêm phòng dại.

Chiều cùng ngày, do tình trạng bệnh của bé diễn biến nặng và tiên lượng tử vong cao, các bác sĩ đã tư vấn, giải thích kỹ lưỡng về tình trạng bệnh cho gia đình. Sau đó, gia đình xin cho bé về nhà.

Những vụ việc thương tâm trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ mắc bệnh dại và tầm quan trọng của việc tiêm phòng đầy đủ sau khi bị chó cắn.

Bệnh dại là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của người và động vật. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh lên vùng da tổn thương. Hiện nay, chưa có thuốc chữa bệnh dại nên khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong cho cả người và động vật là 100%.

Bệnh dại có thời gian ủ bệnh khá dài, dao động từ vài tuần đến vài năm, thậm chí có thể lên đến hàng chục năm. Do đó, khi phát hiện bệnh, thường đã quá muộn để điều trị. Khi mới khởi phát, bệnh dại có thể có các triệu chứng giống như cúm như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn,... khiến người bệnh chủ quan và bỏ qua.

Tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại kịp thời, đầy đủ là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh, khi bị động vật nghi dại cắn, cào hoặc liếm.

Dưới đây là cách xử lý khi bị chó mèo cắn mà người dân cần lưu ý:

xử lý khi bị chó mèo cắn 1

>> Liên tiếp các trường hợp nguy kịch vì liên cầu lợn: Bác sĩ nêu dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh

Bốn thói quen tưởng chừng vô hại nhưng là 'thủ phạm' gây bệnh hiểm nghèo

Sáu dấu hiệu cảnh báo bệnh tim, chỉ mắc 1 điều cũng cần gặp bác sĩ ngay

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/lien-tiep-cac-truong-hop-tu-vong-vi-bi-cho-can-hoi-chuong-canh-bao-nguoi-dan-tuyet-doi-khong-duoc-chu-quan-voi-benh-dai-d125897.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Liên tiếp các trường hợp tử vong vì bị chó cắn: Hồi chuông cảnh báo người dân tuyệt đối không được chủ quan với bệnh dại
    POWERED BY ONECMS & INTECH