Liên tục ‘bành trướng’ tại các khu đất vàng, ai là chủ nhân của chuỗi Phê La?

15-01-2024 09:41|Yên Hoàng

Trong vòng chưa đầy 3 năm, chuỗi Phê La đã chạm mốc 23 cửa hàng tại những vị trí đắc địa.

Phê La đang là cái tên chịu chi nhất thị trường F&B Việt Nam thời gian gần đây khi liên tiếp khai trương hàng loạt cửa hàng tại những vị trí đắc địa nhất tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Gây được chú ý nhất có lẽ là ngay trong ngày cuối cùng của năm 2023, Phê La đã khai trương đồng loạt 2 cửa hàng ngay tại Chợ Bến Thành và gần Hồ Gươm. Vậy ai là chủ nhân “chịu chi” của Phê La?

Giới thiệu mình là thương hiệu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tập trung vào phát triển dòng trà ô long đặc sản Đà Lạt, Phê La mở cửa hàng đầu tiên trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) vào tháng 3/2021. Cửa hàng này có diện tích chỉ vỏn vẹn 20m2, phù hợp mua đồ take-away.

Nhưng chỉ 2 tháng sau, một cửa hàng 200m2 đã được khai trương. Đây cũng là khởi đầu cho công cuộc “bành trướng” của thương hiệu mới nổi này. Các chi nhánh với không gian rộng, mật độ chỗ ngồi dày đặc liên tục được mở ra, hiện đã chạm mốc 23 cửa hàng, trong đó, Hà Nội có 10, TP. HCM có 10, Đà Lạt có 1, Đà Nẵng có 1 và Hội An có 1.

Tất cả các cửa hàng của chuỗi này đều có mặt bằng hoành tráng nằm ở những vị trí “đất vàng”, thậm chí, Phê La còn mở cửa hàng tại “khu nhà giàu” Thảo Điền, ngay bên cạnh Phúc Long Premium và “chung mâm” với các ông lớn khác như Cộng Cà phê, The Coffee House.

Liên tục ‘bành trướng’ tại các khu đất vàng, ai là chủ nhân của chuỗi Phê La?
Một cửa hàng của chuỗi Phê La

Chuỗi Phê La được vận hành bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La, có địa chỉ tại số 24 ngõ 128C Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Công ty đươc thành lập vào 24/3/2020, do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện pháp luật. Các địa điểm kinh doanh của Phê La cũng đều do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện.

Liên tục ‘bành trướng’ tại các khu đất vàng, ai là chủ nhân của chuỗi Phê La?
Bà Nguyễn Hạnh Hoa, đại diện pháp luật của chuỗi Phê La

Đáng chú ý, địa điểm kinh doanh Phê La Đặng Tiến Đông (tại 14 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội) do người phụ nữ này đứng đầu, có tên cũ là Công ty cổ phần Tmore – địa điểm kinh doanh Tmore. Đây là doanh nghiệp đang vận hành thương hiệu Tiệm trà Tmore, từng khá nổi tiếng trong giai đoạn mô hình cửa hàng trà chanh bùng nổ năm 2019-2020.

Tmore đi theo mô hình nhượng quyền. Hai năm đầu ra mắt, thương hiệu này đã có 176 cơ sở tại 36 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sau khi “trend” trà chanh thoái trào, không rõ hiện Tmore còn bao nhiêu cửa hàng.

Bà Hạnh Hoa cho biết, bà đã dành một năm để tập trung xây dựng và phát triển các quy trình đào tạo, kiểm soát chất lượng, chăm sóc khách hàng nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều tại 6 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội trước khi Nam tiến.

Hiện nay, cả Tmore và Phê La đều đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong đó, chủ đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho Tmore là Công ty Cổ phần Tmore và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La. Còn nhãn hiệu Phê La với màu chữ màu tím được đăng ký bảo hộ bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La, công bố ngày 26/10/2020.

Với Phê La, chuỗi này như một làn gió mới trong bối cảnh thị trường cà phê ngày càng chật chội, còn trà sữa thì có vẻ dần thoái trào. Họ tự nhận mình là trà đặc sản của Việt Nam với giá dễ chịu trong một concept cắm trại cùng dòng slogan “Chúng tôi bán ôlong đặc sản Đà Lạt”. Sản phẩm trân châu tươi với nhiều hương vị như trân châu ô long, trân châu cốm, trân châu gạo rang,… cũng là một điểm sáng trong sản phẩm của Phê La.

Trong bối cảnh khách hàng ngày càng có xu hướng sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khoẻ, nhiều người còn cho rằng Phê La chính là truyền nhân của Phúc Long khi cả 2 cùng là những thương hiệu thuần Việt, chất lượng và có bản sắc riêng.

Trong giai đoạn 2019-2023, số lượng cửa hàng trà sữa đã giảm từ 446 xuống còn 364, còn cửa hàng cà phê lại có sự tăng vọt gấp gần 2 lần lên 1.657 cửa hàng. Đó là một điều khá lo ngại đối với “tân binh” Phê La.

Liên tục ‘bành trướng’ tại các khu đất vàng, ai là chủ nhân của chuỗi Phê La?
Số lượng cửa hàng cà phê và trà sữa tại Việt Nam giai đoạn 2019-2023. (Nguồn: Q&Me)

Theo thống kê từ Q&Me, trong giai đoạn này, nhiều tên tuổi mới cũng đang nổi lên trên thị trường F&B. Dù không quá sốt sắng như Phê La nhưng cũng đang âm thầm thu gom hàng loạt mặt bằng to, đẹp tại các vị trí đắc địa như Cà phê trứng pate, Rang Rang Coffee hay Juicetin.

Thị trường F&B Việt Nam vẫn luôn có sự cạnh tranh khốc liệt, thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đều đang thay đổi liên tục, bởi vậy bất kể thương hiệu nào đề cũng có thể bị đào thải nếu mà chỉ tập trung vào độ phủ hay duy trì mô hình kinh doanh sẵn có.

> > Các ông lớn F&B đua nhau tung sản phẩm mới, khởi động trào lưu flex bộ sưu tập đồ uống mới ra lò của genZ

Chuỗi cửa hàng kinh doanh phở ‘hàng hiệu’ Big Bowl của ông Jonathan Hạnh Nguyễn đang làm ăn ra sao?

The Coffee House liên tục lọt Top các bảng xếp hạng uy tín, đang kinh doanh ra sao?

Phúc Long – từ quán trà chợ Bến Thành đến thương hiệu trăm triệu USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lien-tuc-banh-truong-tai-cac-khu-dat-vang-ai-la-chu-nhan-cua-chuoi-phe-la-219872.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Liên tục ‘bành trướng’ tại các khu đất vàng, ai là chủ nhân của chuỗi Phê La?
POWERED BY ONECMS & INTECH