Ông hy sinh khi diệt đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng), trong trận đánh thứ ba của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
Hoàng Văn Nhủng, bí danh là Xuân Trường là người dân tộc Tày quê ở Sóc Hà, Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình vào năm 1936 khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển. Suốt từ đó cho đến năm 1940, anh liên lạc viên với bí danh là Xuân Trường đã trở thành một cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong phong trào thanh niên phản đế của châu Hà Quảng.
Giữa năm 1940, Xuân Trường cùng một số cán bộ tiêu biểu của Cao Bằng được cử đi học ở Trường quân sự Hoàng Phố (Liễu Châu, Trung Quốc), đến năm 1944 thì về nước. Khi về nước, ông hoạt động chủ yếu ở vùng Lục Khu - Hà Quảng.
Được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, 17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim và xã Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đã chủ trì buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, sau khi đồng chí Văn tuyên đọc bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, diễn từ trao nhiệm vụ cho Đội và tuyên đọc "Mười lời thề danh dự", 34 chiến sĩ trong đó có Xuân Trường đã giơ cao nắm tay, đồng thanh hô: "Xin thề".
Buổi lễ kết thúc trong không khí phấn khởi và tin tưởng. Tiếp đó là cuộc liên hoan bên cạnh ngọn lửa hồng với bữa cơm nhạt, không rau không muối, biểu thị quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu cho đến ngày thắng lợi.
Trận chiến đồn Đồng Mu
Chiều ngày 24/12, Đội xuất quân; 17 giờ ngày 25/12 đã tiêu diệt đồn Phai Khắt; sáng 26/12 tiêu diệt đồn Nà Ngần. Hai trận đánh đầu tiên ấy đã khiến thanh thế của Đội lớn mạnh hơn, lực lượng ngày càng được bổ sung, trong đó có đội du kích của Chỉ huy Đàm Quang Trung sáp nhập vào Đội. Thừa thắng xông lên, tiểu đội trưởng Xuân Trường cùng với anh em trong Đội củng cố lực lượng rồi hành quân lên đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc).
Theo cuốn Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đại đội chia làm ba tổ tiến sát chân đồn Đồng Mu. Tiểu đội trưởng Xuân Trường dẫn đầu một tổ. Theo kế hoạch, các mũi đột nhập chiếm sở chỉ huy, rồi cùng nội ứng tiêu diệt lính trong đồn. Đêm tháng Chạp rét căm, còn một tuần nữa là Tết Ất Dậu. Tin từ nội ứng, trong đồn có ba chỉ huy người Pháp, 40 lính khố xanh trấn giữ.
Đồn nằm trên đồi cao, giữa cánh đồng thôn Nà Đoỏng, xã Ân Quang của châu Bảo Lạc. Cách đường biên vài cây số, để đề phòng thổ phỉ bên Trung Quốc quấy nhiễu, người Pháp cho xây công sự kiên cố, tường dày có lỗ châu mai, giao thông hào, dây thép gai bao bọc. Đồng Mu "rắn" hơn Phai Khắt, Nà Ngần cả về công sự lẫn hỏa lực. Không thể cải trang đột nhập như những trận trước, Đội quyết định hành động trong đêm.
Gần 23 giờ, hai tổ xung phong vượt qua hàng rào thép gai, đến sân đồn trước cửa trại lính. Một tổ đang đột nhập bị phát hiện. Lính khố xanh lập tức ném lựu đạn và bắn ra. Xuân Trường dẫn một tốp trèo qua cửa sổ, diệt hai lính gác. Khẩu tiểu liên hết đạn, anh chuyển sang dùng kiếm ngắn tiếp cận Sở chỉ huy. Quân lính lui vào trong cố thủ. Xuân Trường dừng lại, lắp đạn mới vào súng. Dưới ánh lửa, khi Xuân Trường đang lắp đạn thì bị một viên đạn do một tên địch bắn xuyên qua ngực, anh ngã gục xuống. Lúc này, các tổ bên ngoài cũng vào tới nơi.
Trận đánh đồn Đồng Mu kéo dài ba tiếng, từ đêm mùng 4 đến rạng sáng ngày 5/2. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân diệt được 20 lính, bắt 3 tù binh, thu 5 khẩu súng trường Mousqueton. Phía quân giải phóng, người lính hy sinh duy nhất là tiểu đội trưởng Xuân Trường.
Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đồng chí Xuân Trường được đồng đội chôn cất ở cánh đồng dưới chân đồn Đồng Mu. Sau này, hài cốt được đưa về nghĩa trang huyện Bảo Lạc, rồi một lần nữa chuyển về quê nhà xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Liệt sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân mất lúc 35 tuổi, chưa có gia đình và không để lại bất kỳ bức di ảnh nào.
Những ghi chép về người liệt sĩ đầu tiên của quân đội rất ít. Trên bia danh sách đội viên ở khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, ghi tên Hoàng Văn Nhủng, bí danh Xuân Trường ở vị trí thứ 25. Tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng (Xuân Trường) được Thủ tướng Chính phủ trao năm 1961 với số hiệu HX 759b chứ không mang số 01, nhưng sử sách Việt Nam công nhận anh là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xã Ân Quang sau trận đánh đồn Đồng Mu trở thành vùng đất Việt Minh quản lý, sau đổi tên thành Xuân Trường để tri ân người liệt sĩ đầu tiên của quân đội. Năm 1995, Đồng Mu trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia . Sau đó đến năm 2014, công trình được tôn tạo, xây mới nhà bia tưởng niệm, quanh bia đá có hàng chục nấm mồ gió được người dân đắp tượng trưng cho liệt sĩ các thời kỳ kháng chiến.
Trước khi tu sửa, nơi ấy chỉ là gò đất cao có tấm bia cũ khắc ghi "Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Nhủng, tức Xuân Trường đã hy sinh trong trận chiến diệt đồn Đồng Mu, đêm 4/2/1945. Đồng chí là người hy sinh đầu tiên sau ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân".
Tham khảo:
- Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (23/07/2017)
- Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Báo VnExpress (26/7/2020)
- Chuyện về liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Báo điện tử Đắk Lắk(21/3/2024)