Được biết nhóm này nắm giữa tổng cộng 75,8 triệu cổ phiếu PAP - tương đương 37,9% vốn.
CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Mã PAP - UpCOM) vừa công bố Nghị quyết HĐQT vừa công bố kết quả đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, PAP vừa phát hành thành công 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư cá nhân; toàn bộ số cổ phiếu trên bị hạn chế giao dịch 1 năm. Sau phát hành, vốn điều lệ của Cảng Phước An tăng từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ. Tổng số vốn huy động được sau chào bán sẽ được công ty dùng để thanh toán/tạm ứng cho các nhà thầu xây lắp (tổng giá trị 680 tỷ đồng).
Trong cơ cấu cổ đông của PAP, hiện Công ty TNHH Một Thành Viên Hoành Sơn - tổ chức có liên quan đến Thành viên HĐQT Cảng Phước An - Nguyễn Hồng Sơn hiện đang là cổ đông lớn nhất nắm 26,8% vốn (giảm 17,2% sau đợt thoái vốn đầu tháng 6/2022); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 23,33% vốn - tương ứng 35 triệu cổ phiếu. Hai cổ đông lớn còn lại là ông Nguyễn Quốc Quân và ông Trần Văn Nguyện nắm giữ lần lượt 9,2% và 8% vốn PAP.
Đáng nói, ông Quân và ông Nguyện mới chỉ ngồi ghế cổ đông lớn tại Cảng Phước An sau khi mua vào số lượng 5,8 triệu cổ phiếu mà Công ty TNHH MTV Hoành Sơn bán ra.
Trong khi đó, cả 4 nhà đầu tư vừa mua vào 50 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ mới đây đều không nằm trong bộ máy lãnh đạo của công ty (ghi nhận tại báo cáo quản trị 6 tháng năm 2022).
Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng, Cảng Phước An đã đón nhận thêm 6 cổ đông lớn đều là các nhà đầu tư cá nhân. Nhóm này nắm giữa tổng cộng 75,8 triệu cổ phiếu PAP - tương đương 37,9% vốn.
Về phía Công ty Hoành Sơn, đây là doanh nghiệp có địa chỉ tại Hà Tĩnh (đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hồng Sơn) bắt đầu hoạt động từ năm 2016 và hoạt động trong lĩnh vực bốc xếp hàng hóa.
Trong khi đó, Cảng Phước An là chủ đầu tư Dự án cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) và khu dịch vụ hậu cần cảng.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp vào tháng 11/2017, tổng diện tích sử dụng của cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng là 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng) với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu là 2.635,7 tỷ đồng - chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Công ty đang triển khai giai đoạn 1 của dự án với diện tích sử dụng 17,4 ha nhưng đang giãn tiến độ đầu tư và hoàn thiện hồ sơ chất lượng.
Được biết, để vào cảng, chỉ có duy nhất một tuyến đường chính được xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 - 2023. Một phần của tuyến đường từ đường 319 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng ngân sách, phần còn lại đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT. Chính vì vậy, tiến độ khai thác cảng Phước An phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng tuyến đường kết nối theo hình thức BOT.
Được biết, vì đang triển khai dự án và chưa đi vào hoạt động cảng Phước An nên từ năm 2016 tới nay, công ty liên tục không ghi nhận doanh thu mà chỉ phát sinh chi phí dẫn tới lỗ.
Quý 3/2022 vừa qua, PAP tiếp tục không phát sinh doanh thu. Đây cũng là thực trạng chung của doanh nghiệp khai thác cảng kể từ đầu năm.
Do không có doanh thu trong khi vẫn phát sinh chi phí hoạt động nên lợi nhuận trước và sau thuế của PAP âm 4,6 tỷ đồng - tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là quý lỗ thứ 7 liên tiếp của công ty kể từ quý 1/2021.
Trích báo cáo tài chính quý 3/2022 của PAP (Đvt: Tỷ đồng)
Tại thời điểm ngày 30/9/2022, tổng tài sản của PAP tăng lên 1.772 tỷ đồng so với 1.593 tỷ đồng hồi đầu năm trong đó tài sản dài hạn chiếm 1.712 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng gấp 3,5 lần đầu năm lên gần 260 tỷ đồng.
Đến cuối quý, dòng tiền kinh doanh đến cuối kỳ âm 15,5 tỷ và công ty vẫn đang trong tình trạng lỗ lũy kế 8,9 tỷ đồng.