Lở đất gây ra siêu sóng thần 200m và cơn địa chấn bí ẩn kéo dài 9 ngày làm rung chuyển Trái Đất: Chuyện gì đã xảy ra?
Một dòng sông băng tan chảy đã gây ra vụ lở đất lớn vào tháng 9 năm ngoái, dẫn đến một trận sóng thần cao 200m (650 feet) tại Greenland. Tuy nhiên, sau đó xuất hiện một hiện tượng rung chấn bí ẩn kéo dài suốt 9 ngày, làm rung chuyển toàn bộ Trái Đất.
Trong suốt năm qua, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã nỗ lực giải mã tín hiệu kỳ lạ này. Và giờ đây, theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science, họ đã tìm ra câu trả lời. Phát hiện này là lời cảnh báo rằng Bắc Cực đang bước vào một giai đoạn "chưa từng có" khi con người đang khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn bao giờ hết.
Vào tháng 9 năm ngoái, các nhà địa chấn học ghi nhận một tiếng ù đều đều kéo dài tới 9 ngày, khác hẳn với các tín hiệu động đất thông thường. Ban đầu, một số người trong số họ, như Stephen Hicks, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà địa chấn học tại Đại học London, đã nghĩ rằng thiết bị của họ bị hỏng.
Tuy nhiên, thông qua việc kết hợp dữ liệu địa chấn, vệ tinh và các mô phỏng sóng thần, một nhóm 68 nhà khoa học từ 15 quốc gia đã xác định được nguồn gốc của tín hiệu: một trận sóng thần do lở đất gây ra tại Dickson Fjord, Greenland.
Theo nhà khoa học Svennevig, sự kiện này được cho là "nguy cơ liên hoàn" và nguyên nhân bắt nguồn từ biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nhiệt độ tăng cao khiến dòng sông băng tại chân ngọn núi cao 1.200m trên Dickson Fjord tan chảy liên tục trong nhiều năm, khiến ngọn núi mất ổn định và cuối cùng sụp đổ vào ngày 16/9. Lượng đá và mảnh vỡ khổng lồ đổ xuống biển, tương đương với 10.000 bể bơi Olympic.
Trận siêu sóng thần sau đó đã tạo ra một đợt sóng bị mắc kẹt trong vịnh hẹp và quanh co, di chuyển qua lại mỗi 90 giây suốt hơn một tuần. Hiện tượng này, được gọi là "seiche" - sóng dao động liên tục trong vịnh hẹp. Một trong số các nhà khoa học thậm chí đã cố gắng tái hiện tác động trong bồn tắm của mình, nhưng không thành công.
Mặc dù hiện tượng "seiche" đã được biết đến, các nhà khoa học chưa bao giờ tưởng tượng nó có thể kéo dài đến vậy. "Nếu năm ngoái tôi nói rằng seiche có thể kéo dài chín ngày, mọi người sẽ lắc đầu và cho rằng điều đó là không thể," Svennevig chia sẻ, ví phát hiện này giống như việc đột ngột tìm thấy một màu mới trong cầu vồng.
Nghiên cứu cho thấy, hiện tượng seiche đã tạo ra những rung động mạnh mẽ trong lòng Trái Đất. Đây có lẽ là lần đầu tiên các nhà khoa học trực tiếp chứng kiến biến đổi khí hậu tác động đến địa chất, theo nhà khoa học Hicks. Hiện tượng này lan truyền từ Greenland đến tận Nam Cực chỉ trong vòng một giờ.
Mặc dù không gây thương vong về người, cơn sóng thần đã tàn phá các di tích văn hóa lâu đời và làm hư hại một căn cứ quân sự bỏ hoang. Sự kiện này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn đối với các tuyến đường du lịch biển trong khu vực, các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Theo Svennevig, khu vực phía đông Greenland trước đây chưa từng trải qua trận lở đất và sóng thần nào như vậy. Sự ấm lên toàn cầu đang khiến Bắc Cực trở thành tâm điểm của các sự kiện khí hậu cực đoan, khi trong vài thập kỷ qua, khu vực này đã ấm lên nhanh gấp bốn lần so với phần còn lại của thế giới. Trong tương lai, các trận siêu sóng thần do lở đất có thể xảy ra thường xuyên hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Vào tháng 6/2017, một trận sóng thần kinh hoàng tại Tây Bắc Greenland đã cướp đi sinh mạng của 4 người và cuốn trôi nhiều ngôi nhà, cho thấy nguy cơ tiềm ẩn ở những vịnh hẹp tương tự trên thế giới, bao gồm Alaska, Canada và Na Uy.
Những gì xảy ra ở Greenland vào tháng 9 năm ngoái "một lần nữa cho thấy sự bất ổn ngày càng gia tăng của các sườn núi lớn ở Bắc Cực do hiện tượng khí hâuậ́m lên", Paula Snook, nhà địa chất chuyên về lở đất tại Đại học Khoa học Ứng dụng Western Norway, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. “Các trận lở đá gần đây ở Bắc Cực cũng như ở các khu vực núi cao của dãy Alps là một tín hiệu đáng báo động. Chúng ta đang làm tan băng vĩnh cửu vốn đã đóng băng trong hàng nghìn năm."
Mặc dù các vụ lở đá còn nhiều yếu tố tự nhiên tác động, nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu đang làm gia tăng đáng kể nguy cơ sạt lở, đặc biệt ở các khu vực có băng vĩnh cửu tại Bắc Cực. Như nhà nghiên cứu Lena Rubensdotter từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Na Uy nhận định, "chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều vụ sạt lở đất hơn".
“Việc các hiện tượng tự nhiên vốn quen thuộc diễn biến theo những cách bất ngờ như vậy cho thấy hệ sinh thái Bắc Cực đang trải qua những thay đổi sâu sắc và khó lường", Svennevig nói. "Điều này cho thấy hệ sinh thái Bắc Cực đang ở vào tình trạng hết sức nhạy cảm và cần có những biện pháp ứng phó kịp thời".
Theo CNN