Hãng hàng không lớn nhất New Zealand tuyên bố từ bỏ mục tiêu chống biến đổi khí hậu
Air New Zealand hủy bỏ mục tiêu khí hậu 2030, cho thấy những thách thức trong việc cân bằng chi phí và trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp toàn cầu.
Ngày 20/8, Air New Zealand - hãng hàng không quốc gia và lớn nhất New Zealand - đã chính thức thông báo hủy bỏ mục tiêu khí hậu năm 2030. Quyết định này được đưa ra do hai nguyên nhân chính: sự chậm trễ trong việc giao nhận máy bay tiết kiệm nhiên liệu và giá nhiên liệu phản lực thay thế quá cao.
Động thái này đánh dấu Air New Zealand là hãng hàng không lớn đầu tiên hạ thấp mục tiêu khí hậu ngắn hạn, phản ánh quy mô thách thức to lớn mà ngành hàng không đang phải đối mặt trong nỗ lực giảm phát thải carbon.
Tổng giám đốc điều hành Greg Foran giải thích: "Trong những tuần gần đây, rõ ràng việc chậm trễ trong kế hoạch đổi mới đội bay sẽ gây thêm rủi ro đáng kể cho khả năng đạt mục tiêu của chúng tôi". Ông cho biết thêm: "Do các vấn đề về sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, hãng có thể phải duy trì đội bay hiện tại lâu hơn dự kiến, làm chậm quá trình đưa các máy bay mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn vào hoạt động".
Trước đó, Air New Zealand đã đặt mục tiêu giảm cường độ carbon xuống 28,9% vào năm 2030 so với mức năm 2019. Hãng hàng không cho biết đang bắt đầu xây dựng mục tiêu mới trong tương lai gần.
Theo số liệu năm 2022, ngành hàng không đóng góp khoảng 2% lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường bộ và vận chuyển đường biển. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành hàng không cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như sử dụng nhiên liệu phát thải thấp, cải tiến động cơ và khung máy bay, đồng thời thực hiện các giải pháp kiềm chế nhu cầu.
Cùng với việc hủy bỏ mục tiêu 2030, Air New Zealand cũng xác nhận rút khỏi Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTi) - một nhóm hành động vì khí hậu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhằm giúp các công ty giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Paris năm 2015.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Air New Zealand Therese Walsh vẫn khẳng định cam kết dài hạn của hãng: "Chúng tôi vẫn cam kết đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Nỗ lực chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của chúng tôi vẫn tiếp tục, cũng như việc vận động xây dựng các chính sách và quy định trong nước và toàn cầu nhằm giúp Air New Zealand và hệ thống hàng không rộng lớn hơn ở New Zealand thực hiện vai trò của mình trong việc giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu".
Quyết định của Air New Zealand có thể sẽ tạo ra tiền lệ cho các hãng hàng không khác trong ngành, đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu trong lĩnh vực hàng không.
Trong khi đó, tại Úc - quốc gia láng giềng trong khu vực Châu Đại Dương, Chính phủ cũng đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc cân bằng môi trường kinh doanh và mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Kể từ tháng 1/2025, Úc sẽ áp dụng quy định mới về báo cáo khí hậu cho tất cả doanh nghiệp, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia tiên phong áp dụng hướng dẫn mới của Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB).
Tuy nhiên, quy định này sẽ ảnh hưởng đến hơn 6.000 doanh nghiệp tại Úc. Các công ty này sẽ phải tuân thủ quy trình công bố, báo cáo dữ liệu về phát thải và chống biến đổi khí hậu, với chi phí ước tính lên đến 2 triệu USD cho mỗi doanh nghiệp.
Theo CNBC
>> Nhiều doanh nghiệp Úc 'tê liệt' vì các quy định chống biến đổi khí hậu