Thế giới

Lộ diện 'người hưởng lợi' trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?

Vũ Bấc 02/11/2024 - 16:04

ASEAN tiếp tục thu hút đầu tư và mở rộng thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018 đến nay, tuy nhiên căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của khu vực.

Theo báo cáo Triển vọng Châu Á - Thái Bình Dương mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đang là bên hưởng lợi về kinh tế nhiều nhất trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung leo thang, dù vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo cơ quan này, ASEAN đã tận dụng hiệu quả lợi thế từ nhiều thập kỷ toàn cầu hóa, xây dựng quan hệ thương mại bền chặt với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Dù căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng tăng trong những năm gần đây, khối vẫn thể hiện khả năng thích ứng và tiếp tục hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.

Lộ diện 'người hưởng lợi' trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung? - ảnh 1
Lãnh đạo các nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh tại Jakarta, Indonesia, vào ngày 5/9/2023

"Bất chấp căng thẳng địa chính trị, ASEAN vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với cả Trung Quốc và Mỹ", báo cáo nhấn mạnh.

Số liệu từ IMF cho thấy từ năm 2018, các nước ASEAN đã gia tăng thị phần nhập khẩu từ cả Mỹ và Trung Quốc, trong khi hai cường quốc này cũng hấp thụ phần lớn giá trị gia tăng của khu vực. Đồng thời, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ cả hai nước vào ASEAN cũng tăng đáng kể.

Căng thẳng thương mại bắt đầu từ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018-2019, dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh. Chính quyền Tổng thống Joe Biden không những duy trì các mức thuế này mà còn bổ sung thêm vào tháng 5 vừa qua.

Phân tích của IMF chỉ ra rằng một số nền kinh tế ASEAN đã tận dụng hiệu quả tình hình này. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chịu thuế của Mỹ hoặc Trung Quốc từ các nước này tăng nhanh hơn so với các mặt hàng khác. Không chỉ vậy, xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường khác cũng tăng mạnh, cho thấy ASEAN không chỉ hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại mà còn đạt được quy mô kinh tế.

Thương mại nội khối ASEAN cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Nhìn chung, những xu hướng này đã giúp ASEAN mở rộng thị phần trong đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu thế giới và giá trị gia tăng toàn cầu.

Các nước như MalaysiaIndonesia cũng nổi lên như những điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

IMF cũng cảnh báo về những thách thức phía trước. Xu hướng phân mảnh kinh tế toàn cầu có thể làm suy giảm hoạt động tại các đối tác thương mại chính của ASEAN, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu từ khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu này.

Dù vừa nâng dự báo tăng trưởng năm 2024-2025 cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thêm 0,1% so với dự báo tháng 4, IMF vẫn nhấn mạnh các rủi ro từ căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự bất ổn của nhu cầu toàn cầu và khả năng xảy ra biến động tài chính.

Theo CNBC

>> “Bẫy thu nhập trung bình” đang kìm hãm 108 nền kinh tế, quốc gia châu Á trở thành hình mẫu lý tưởng để ‘thoát bẫy’

Quốc gia được IMF dự báo sẽ giàu nhất Đông Á năm 2024, vượt mặt siêu cường lâu đời

Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác thương mại với ASEAN

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/lo-dien-nguoi-huong-loi-trong-cang-thang-thuong-mai-my-trung-129481.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ diện 'người hưởng lợi' trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?
    POWERED BY ONECMS & INTECH