“Bẫy thu nhập trung bình” đang kìm hãm 108 nền kinh tế, quốc gia châu Á trở thành hình mẫu lý tưởng để ‘thoát bẫy’
Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới vạch ra 'chiến lược 3i' giúp các nước thu nhập trung bình vượt "bẫy tăng trưởng", với Hàn Quốc là hình mẫu thành công điển hình.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố một nghiên cứu mới, chỉ ra rằng hơn 100 quốc gia, bao gồm cả những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, đang đối mặt với tình trạng “bẫy thu nhập trung bình”.
Đây được coi là thách thức có thể cản trở quá trình phát triển thành nước có thu nhập cao trong hàng chục năm tiếp theo. Từ việc chỉ ra vấn đề, Ngân hàng Thế giới cũng đề xuất một lộ trình toàn diện nhằm giúp các nước đang phát triển thoát khỏi tình trạng kinh tế này.
Báo cáo Phát triển Thế giới 2024 với chủ đề "Bẫy Thu nhập Trung bình" đã tổng kết kinh nghiệm 50 năm qua và phát hiện một xu hướng: khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, GDP bình quân đầu người của họ thường bị "mắc kẹt" ở mức khoảng 10% của Hoa Kỳ - tương đương 8.000 USD hiện nay. Mức này nằm trong phạm vi Ngân hàng Thế giới xếp loại là "thu nhập trung bình".
Số liệu chỉ ra rằng, kể từ năm 1990, chỉ có 34 nền kinh tế thu nhập trung bình thành công chuyển đổi lên nhóm thu nhập cao, trong đó hơn 1/3 trường hợp thành công nhờ gia nhập Liên minh Châu Âu hoặc nhờ phát hiện khai thác nguồn dầu mỏ mới.
Theo số liệu cuối năm 2023, có 108 quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người hàng năm dao động từ 1.136 đến 13.845 USD. Những quốc gia này chiếm 75% dân số toàn cầu với 6 tỷ người, trong đó 2/3 sống dưới mức nghèo cùng cực. Họ đóng góp hơn 40% GDP toàn cầu và thải ra hơn 60% lượng khí carbon.
Tuy nhiên, những nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các quốc gia tiền nhiệm trong việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bao gồm dân số già hóa nhanh chóng, xu hướng bảo hộ gia tăng ở các nền kinh tế phát triển và áp lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông Indermit Gill, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nhận định: "Cuộc chiến vì sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu phần lớn sẽ được quyết định bởi các nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng các chiến lược lỗi thời để trở thành nền kinh tế tiên tiến”.
Chuyên gia Gill cũng cảnh báo “Các quốc gia này, hoặc phụ thuộc quá lâu vào đầu tư, hoặc thực hiện quá trình đổi mới kinh tế quá đột ngột. Họ cần có một cách tiếp cận mới: trước tiên tập trung vào đầu tư; sau đó nhấn mạnh việc tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài; và cuối cùng, áp dụng chiến lược ba mũi nhọn cân bằng giữa đầu tư, tiếp nhận công nghệ và đổi mới. Trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng về nhân khẩu học, sinh thái và địa chính trị, không còn chỗ cho sai lầm trong thay đổi chính sách kinh tế toàn diện."
Chiến lược “3i”
Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới đề xuất "chiến lược 3i" giúp các quốc gia đạt vị thế thu nhập cao. Theo đó, mỗi nước cần áp dụng chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Giai đoạn 1i: Các nước thu nhập thấp tập trung vào chính sách thúc đẩy đầu tư.
Giai đoạn 2i: Khi đạt mức thu nhập trung bình thấp, các nước cần kết hợp đầu tư và tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài, phổ biến trong nền kinh tế.
Giai đoạn 3i: Ở mức thu nhập trung bình cao, các nước chuyển sang chiến lược cân bằng giữa đầu tư, tiếp nhận công nghệ và đổi mới, không chỉ vay mượn mà còn thúc đẩy biên giới công nghệ toàn cầu.
Ông Somik V. Lall, Giám đốc Báo cáo Phát triển Thế giới 2024, nhận định: "Con đường phía trước không dễ dàng, nhưng các quốc gia vẫn có thể tiến bộ trong điều kiện đầy thách thức hiện nay. Thành công phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa các lực sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt của xã hội. Những nước cố tránh đau đớn từ cải cách và mở cửa sẽ bỏ lỡ lợi ích từ tăng trưởng bền vững."
Báo cáo nêu lên trường hợp của nền kinh tế Hàn Quốc làm ví dụ điển hình cho cả ba giai đoạn của chiến lược 3i.
Từ mức thu nhập bình quân đầu người 1.200 USD năm 1960, Hàn Quốc đã đạt 33.000 USD vào cuối năm 2023. Quốc gia này bắt đầu bằng chính sách đơn giản thúc đẩy đầu tư công và tư nhân, sau đó chuyển sang chính sách công nghiệp khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ nước ngoài vào những năm 1970.
Tập đoàn Samsung là minh chứng cho sự thành công này. Từ nhà sản xuất mì, công ty chuyển sang sản xuất TV bằng cách cấp phép công nghệ từ Sanyo và NEC của Nhật Bản. Thành công của Samsung tạo nhu cầu về nhân lực chất lượng cao.
Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng kịp thời, với Bộ Giáo dục đặt mục tiêu và tăng ngân sách cho các trường đại học công lập nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, Samsung đã trở thành một trong hai nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Hai quốc gia nằm ở Tây bán cầu là Ba Lan và Chile cũng đi theo hướng tương tự. Ba Lan tập trung nâng cao năng suất bằng công nghệ từ Tây Âu. Trong khi đó, Chile khuyến khích chuyển giao công nghệ nước ngoài và thúc đẩy đổi mới trong nước. Thành công nổi bật của Chile là việc áp dụng công nghệ nuôi cá hồi Na Uy vào điều kiện địa phương, giúp nước này trở thành nhà xuất khẩu cá hồi hàng đầu thế giới.
Theo World Bank