Lộ nguyên nhân siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đình trệ, tốn thêm 3.200 tỷ, ai chịu?
Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã xong khoảng 90% khối lượng vẫn dẫm chán tại chỗ.
UBND TP.HCM vừa có văn bản số 4852/UBND-DA báo cáo tình hình kết quả triển khai Nghị quyết số 40/NQ-CP liên quan dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng).
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện nay dự án đang vướng mắc về phương án thanh toán bao gồm thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền. UBND TP.HCM đã và đang thực hiện nhưng chưa hoàn tất do phát sinh vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan và lãi vay phát sinh vì chưa xác định được thời gian hoàn thành công trình.
Do dự án kéo dài, tổng mức đầu tư theo ước tính của nhà đầu tư có thể tăng từ 9.976 tỷ đồng (mức đầu tư đã được phê duyệt) lên 13.211 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cuối cùng do phát sinh sẽ được xác định cụ thể sau khi tính toán, rà soát trách nhiệm các bên liên quan trong việc làm chậm tiến độ hợp đồng.
Để gỡ vướng cho dự án TP.HCM đề xuất 3 phương án:
Phương án 1: Thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng hình thức trả bằng đất và bằng tiền. Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ, tiếp tục cấp vốn để cho nhà đầu tư hoàn thành dự án. Từ đó, TP.HCM và nhà đầu tư nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng hợp đồng ký kết.
Phương án 2: Quỹ đầu tư phát triển TP.HCM (HFIC) cho vay để thực hiện dự án từ nguồn vốn hoạt động của quỹ.
Phương án 3: HFIC sẽ nhận ủy thác khoảng 1.800 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP.
Sau khi công trình được nghiệm thu, Thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT đã ký, sau đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC rồi HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách Thành phố.
Qua phân tích 3 phương án, TP.HCM nhận thấy phương án 3 là phương án khả thi nhất vì phù hợp với các quy định của pháp luật.
Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ thống nhất nguyên tắc chấp thuận các pháp lý đã được Thành phố báo cáo tại Nghị quyết số 40/NQ-CP (trong đó bao gồm hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã được ký kết trước thời điểm ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP). Các thủ tục thực hiện sau Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 phải được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
TP.HCM kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng quy định tại điều 32 của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP để Thành phố ủy thác cho HFIC cho vay dự án hoặc Chính phủ chấp thuận ban hành quy định để HFIC nhận ủy thác cho vay từ ngân sách Thành phố dựa trên quy định tại Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, song không thể tiếp tục thi công do thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn đã hết hạn từ ngày 30/9/2020 nên Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân cho Ngân hàng BIDV để cấp vốn thực hiện dự án.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM: hy vọng tái khởi động có thành công?
Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng của Trung Nam liên tục trễ hẹn
Xét xử vụ lập khống hồ sơ, mua bán hoá đơn, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của công ty 878