Xã hội

Loại gỗ 'kỳ mộc' quý hiếm như vàng ròng giá lên đến cả tỷ đồng ở Việt Nam

Thùy Dung 02/07/2024 08:02

Loài cây đặc hữu này ‘gây sốt’ bởi hương thơm đặc trưng và được coi là ‘báu vật’ của rừng.

Gù hương (Cinnamomum balansae), còn được biết đến với tên gọi xá xị, là một loài cây gỗ quý hiếm đặc hữu của Việt Nam. Năm 2017, thị trường gỗ Trung Quốc bùng nổ cơn sốt săn lùng gỗ gù hương, đẩy giá loại gỗ quý hiếm này lên đến mức cao ngất ngưởng. Theo ghi nhận của báo Pháp Luật Việt Nam, một sập gỗ gù hương thời điểm đó có giá dao động trên dưới 100 triệu đồng.

Sức hút của gù hương bắt nguồn từ giá trị độc đáo của nó. Loài cây này được M.H.Lecomte - nhà nghiên cứu thực vật người Pháp - công bố vào năm 1913 khi ông tìm hiểu về các loài thực vật trong chi Quế (Cinnamomum) tại Việt Nam. Lecomte khẳng định gù hương là loài đặc hữu của Việt Nam, chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Hình ảnh cây gù hương trưởng thành, quả và gỗ gù hương. Ảnh: Internet

Hình ảnh cây gù hương trưởng thành, quả và gỗ gù hương. Ảnh: Internet

Báu vật tiền tỷ

Cây gù hương tạo ra hai sản phẩm chính là gỗ gù hương và tinh dầu gù hương. Tinh dầu gù hương từng được mệnh danh là "vàng lỏng" bởi giá trị và công dụng tuyệt vời không thua kém tinh dầu long não. Cách đây vài chục năm, phong trào nấu tinh dầu gù hương tại Yên Bái vô cùng sôi nổi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Loại tinh dầu này được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Nhờ tính kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm hiệu quả, tinh dầu gù hương được sử dụng làm thuốc xoa bóp, chữa trị các bệnh về xương khớp, thậm chí được người dân gửi tặng bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp để giảm đau nhức.

Giá trị của tinh dầu gù hương ngày càng được khẳng định khi thành phẩm được xuất khẩu sang nước ngoài làm thuốc chữa bệnh. Theo ghi nhận, thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Trung Quốc, với mục đích sử dụng đa dạng, từ bào chế thuốc đến sản xuất hương hiệu.

So với tinh dầu gù hương được ví như "vàng lỏng" bởi giá trị đắt đỏ hơn vàng, gỗ gù hương cũng được mệnh danh là "báu vật của rừng" với mức giá dao động từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Trên các trang web bán đồ gỗ trực tuyến, không khó để bắt gặp những bộ bàn ghế gỗ gù hương có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đối với những người đam mê gỗ lũa, lũa gù hương được ví như "vàng ròng" bởi giá trị và vẻ đẹp độc đáo của nó. Năm 2009, VTC News đã ghi nhận trường hợp ông Nguyễn Công Đức ở xã Sơn Lâm (Lương Sơn, Hòa Bình) sở hữu bộ lũa gù hương lớn nhất, độc nhất và quý nhất Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Đức, nhiều đại gia Việt đã sẵn sàng chi tới 1,8 tỷ đồng để sở hữu bộ lũa này nhưng ông không đồng ý bán. Thậm chí, một người Mỹ còn tìm đến tận trang trại của ông Đức và trả giá 130.000 USD (tương đương 2,2 tỷ đồng vào thời điểm đó) nhưng ông vẫn nhất quyết giữ lại. Điều này cho thấy sức hút đặc biệt của lũa gù hương đối với những người chơi gỗ lũa.

Gỗ gù hương cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Internet

Gỗ gù hương cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Internet

Theo lời giới sành gỗ lũa, bộ lũa của ông Đức đẹp "có một không hai", hội tụ mọi giá trị, thẩm mỹ, không thể kiếm ra bộ thứ hai ở Việt Nam.

Sau đó, vào năm 2014, một bộ gỗ lũa gù hương nghìn năm tuổi của anh Nguyễn Xuân Bình (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình) mang về từ Tây Nguyên cũng đã từng khiến giới mộ điệu trầm trồ thán phục. Theo các chuyên gia, giá trị của gỗ lũa không chỉ nằm ở tuổi tác mà còn phụ thuộc vào hình dáng độc đáo, nguyên vẹn của từng tác phẩm.

Cả nước chỉ còn 53 cây gù hương

Tuy mang lại giá trị kinh tế cao, cây gù hương (hay còn gọi là xá xị) đang ngày càng trở nên quý hiếm. Kết quả nghiên cứu "Bảo tồn và phát triển cây gù hương" do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ thực hiện trong 5 năm (từ tháng 7/2010 đến tháng 7/2015) đã khảo sát và đánh giá tình trạng phân bố và mức độ nguy cấp của loài cây này tại 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Ninh Bình.

Điều đáng lo ngại là chỉ có tổng cộng 53 cây gù hương được tìm thấy tại 4 tỉnh, bao gồm: Phú Thọ (29 cây), Yên Bái (6 cây), Tuyên Quang (16 cây) và Ninh Bình (2 cây).

Điều tra cho thấy, gù hương chủ yếu tập trung trong vườn hộ gia đình (45/53 cây), số lượng cây ngoài tự nhiên còn rất ít (chỉ 8/53 cây) và chủ yếu phân bố tại hai khu vực cấm khai thác: khu di tích lịch sử Đền Hùng và vườn quốc gia Cúc Phương.

Tuy mang lại giá trị kinh tế cao, cây gù hương (hay còn gọi là xá xị) đang ngày càng trở nên quý hiếm. Ảnh: Internet

Tuy mang lại giá trị kinh tế cao, cây gù hương (hay còn gọi là xá xị) đang ngày càng trở nên quý hiếm. Ảnh: Internet

Loài cây này có khả năng tái sinh tự nhiên yếu. Khảo sát 53 cây gù hương cho thấy, chỉ có 15 cây có cây con mọc xung quanh gốc mẹ. Tuy tỷ lệ cây sinh trưởng tốt cao, nhưng cũng đáng lo ngại là tình trạng nhiều cây con mọc quá gần gốc mẹ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả cụm cây.

Trước đó, theo "Điều tra đánh giá tình trạng bảo tồn các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục nghị định 32/2006/NĐ-CP" của Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp Viện Điều tra Quy hoạch Rừng tháng 12/2010, số lượng quần thể và cá thể gù hương trong tự nhiên được ghi nhận như sau:

Vườn Quốc gia Ba Vì: 5 cá thể; Vườn Quốc gia Thần Sa: 100-200 cá thể (chỉ toàn cây tái sinh); Khu bảo tồn Hang Kia-Pà Cò: 2-3 cá thể/50ha (chỉ còn cây tái sinh chồi).

Hiện nay, chính quyền các tỉnh đang đẩy mạnh bảo tồn cây gù hương. Tiêu biểu là tỉnh Quảng Ninh, tháng 4 năm ngoái, Sở Khoa học và Công nghệ đã đăng thông báo kêu gọi tổ chức, cá nhân tham gia vào nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cây gù hương trên địa bàn. Hoạt động này nhằm góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của loài cây quý hiếm này.

Tại bản Ít, xã Nặm Păm, tỉnh Sơn La đang thực hiện mô hình trồng thí điểm 10ha cây gù hương xen canh với cây sơn trà. Theo ghi nhận ban đầu, tất cả diện tích cây đều phát triển tốt, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hiệu quả.

>> Việt Nam sở hữu một loại cây cực hiếm được Mỹ, Ấn Độ săn lùng, thu về gần 2.500 tỷ đồng trong 5 tháng

Loại gỗ 'kim cương của núi rừng' giá lên đến 50 tỷ đồng ở Việt Nam

Loại gỗ 'thần mộc' 2.000 năm tuổi nguy cấp, quý hiếm được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/loai-go-ky-moc-quy-hiem-nhu-vang-rong-gia-len-den-ca-ty-dong-o-viet-nam-d126478.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Loại gỗ 'kỳ mộc' quý hiếm như vàng ròng giá lên đến cả tỷ đồng ở Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH