Báu vật nặng 220 lượng vàng có 'một không hai' của Việt Nam, biểu trưng cho quyền lực tối cao của triều đại phong kiến cuối cùng
Đây là Bảo vật Quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc Việt và để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng thế giới - dấu ấn sử Việt.
Triều Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, đã lưu dấu ấn trong lịch sử với 143 năm trị vì và 13 đời vua. Trong quá trình đó, các vua Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 ấn bằng vàng và bằng ngọc. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến kim ấn Sắc Mệnh chi bảo. Độc bản kim ấn này được xem là báu vật truyền quốc của triều Nguyễn.
Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), nhà vua cho đúc ấn vàng Hoàng đế chi bảo và ấn vàng Minh Mệnh thần hàn. Bốn năm sau, Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, Ty Vũ Khố nhận chỉ dụ đúc 5 chiếc ấn bằng vàng 10 tuổi, đó là: Sắc Mệnh chi bảo, Hoàng đế Tôn Thân chi bảo, Khâm Văn chi tỷ, Duệ Vũ chi tỷ, Trị Lịch Minh Thời chi bảo.
Ấn vàng Sắc Mệnh chi bảo có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến triều Nguyễn. Đây là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều. Mỗi hình dấu của ấn trên văn bản được coi là một văn bản hoàn chỉnh và trung thực nhất.
Chiếc ấn này được chế tác bằng vàng 10 tuổi, cao 11cm, với cạnh 14x14cm và độ dày mặt 2,5cm. Thiết kế của chiếc ấn vô cùng độc đáo và tinh xảo.
Ấn được tạo thành hai cấp hình vuông, với phần quai là tượng rồng ngồi uy nghi. Rồng hướng đầu về phía trước, hai sừng dài uyển chuyển, đuôi xòe ra thành 9 dải lửa rực rỡ, thể hiện sức mạnh và khí phách của vương triều. Chân rồng được chạm khắc tỉ mỉ với 5 móng vuốt sắc nhọn, biểu tượng cho quyền lực tối cao của vua.
Trên lưng ấn, hai dòng chữ Hán được khắc sâu sắc nét, ghi chép lại thông tin về nguồn gốc và giá trị của chiếc ấn: "Thập tuế kim trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền" (vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền), thông báo chất liệu và trọng lượng của Sắc Mệnh chi bảo, khẳng định giá trị vật chất quý giá của nó; "Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo" (đúc vào ngày lành, tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8), ghi lại niên đại chế tác, gắn liền Sắc Mệnh chi bảo với thời kỳ trị vì của vua Minh Mệnh - vị vua thứ 2 của triều Nguyễn.
Sắc Mệnh chi bảo không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo mà còn là biểu tượng cho quyền lực tối cao của vua chúa thời phong kiến. Ấn Sắc Mệnh chi bảo dùng trong việc ban cấp sắc mệnh, sắc cáo cho các quan văn võ và chiếu văn phong tặng các thần.
Trải qua bao biến cố, Sắc Mệnh chi bảo vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp tinh xảo và giá trị lịch sử vô giá. Chiếc ấn này được xem là đỉnh cao của loại hình ấn chương thời Nguyễn, là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và là nguồn sử liệu quan trọng ghi dấu những trang sử vàng son của triều đại nhà Nguyễn và lịch sử văn hóa dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Năm 2015, Sắc Mệnh chi bảo được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày nay, Sắc Mệnh chi bảo được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trở thành một trong những báu vật quốc gia quý giá nhất của Việt Nam. Chiếc ấn này là minh chứng cho sự thịnh vượng và tinh hoa văn hóa của triều Nguyễn, đồng thời là niềm tự hào của dân tộc.