Việc huỷ niêm yết trên HOSE của HAG có nhiều dư luận trái chiều song nhiều ý kiến cho rằng cần phải cẩn trọng trong việc đặc cách cho doanh nghiệp không bị hủy niêm yết
Mở cửa phiên 15/2/2022, HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) tiếp tục giảm sàn về mức 10.750 đồng với lượng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị cùng khớp lệnh tạm tính vỏn vẹn vài trăm nghìn đơn vị.
Tuy nhiên, ngay đầu phiên chiều, chỉ trong 5 phút từ khoảng 13h23 - 13h28 phút, hơn 12 triệu cổ phiếu đã được giải cứu chớp nhoáng với những lệnh mua lớn từ 300.000 - 500.000 - 600.000 - 900.000; Các lệnh lớn "mồi" kích hoạt dòng tiền mua chủ động khiến cho cổ phiếu HAG ngay sau đó đã bật tăng từ giá sàn lên giá xanh 5% tức 12.300 đồng/cổ phiếu.
Tuy vậy, lực bán vẫn lớn, lệnh mua đuổi đuối dần khiến cho HAG lùi về sắc xanh nhẹ dưới 1% - đạt 11.650 đồng/cổ phiếu cùng thanh khoản tổng 38 triệu đơn vị.
Màn "giải cứu" ấn tượng không kém phần sốc của HAG khiến giới đầu tư choáng váng. Đặc biệt, trong bối cảnh, cổ đông của doanh nghiệp này đang có đơn kêu cứu lên Bộ Công an, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).
Được biết, ngay trong sáng 15/2, một nhóm cổ đông HAG đã có đơn kêu cứu gửi các đơn vị trên về tin đồn cổ phiếu HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết. Đáng nói, đây là nhóm cổ đông đầu tư vào HAG sau ngày phát hành báo cáo kiểm toán 2020 (tháng 4/2021).
Theo đó, nhóm cổ đông này khá bất ngờ và bức xúc trước thông tin HAG phải đối mặt với án hủy niêm yết tại thời điểm này bởi lẽ việc HAG làm ăn thua lỗ đã xảy ra vào thời điểm trước đó mà không thấy cơ quan Nhà nước áp dụng hình phạt. Nhóm cổ đông này đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về vấn đề hủy hay không hủy niêm yết HAG để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Dù vậy, dễ thấy việc huỷ niêm yết trên HOSE của HAG có nhiều dư luận trái chiều song nhiều ý kiến cho rằng cần phải cẩn trọng trong việc đặc cách cho doanh nghiệp không bị hủy niêm yết bởi điều này có thể tạo tiền lệ xấu, khiến tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ của thị trường chứng khoán Việt Nam không được đảm bảo.
HOSE sẽ có "cơ chế riêng" cho cổ phiếu HAG?
Những ngày qua, tình trạng của cổ phiếu HAG đang là chủ đề nóng trên thị trường chứng khoán. Vào ngày 25/11/2021, Hoàng Anh Gia Lai đã có văn bản về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm. Việc hồi tố kết quả này dấy lên lo ngại cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do rơi vào trường hợp lỗ 3 năm liên tiếp. Tuy vậy, tất cả chỉ đang dừng ở mức đồn đoán. Ở phía HOSE vẫn chưa có thông báo chính thức nào về trường hợp này.
Trước đó, đại diện Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, thực tế tập đoàn chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017 - 2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh.
Có được sự đồng thuận của cổ đông, mới đây phía Hoàng anh Gia Lai đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết HAG trên HOSE. Doanh nghiệp cũng xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HOSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HOSE.
Tập đoàn cũng xin cơ quan chức năng cho phép Hoàng Anh Gia Lai áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường.
Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản... Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn).
Thậm chí năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai tham vọng lãi hơn 1.000 tỷ - tức chính thức quay lại thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đặt mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.