Tài chính Ngân hàng

Lợi dụng bão lũ tăng giá bất hợp lý, có thể đối mặt mức phạt nặng

Hoàng Hiếu 17/09/2024 - 22:04

Trong bối cảnh mưa lũ gây khó khăn, việc lợi dụng tăng giá các mặt hàng thiết yếu bất hợp lý không chỉ gây bức xúc mà còn đối mặt với mức phạt nặng theo quy định.

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử. Cùng với lương thực, thực phẩm, áo phao cứu hộ trở thành mặt hàng thiết yếu, song giá bán của một số nơi đã bị đội lên gấp nhiều lần so với mức thông thường, gây bức xúc cho người dân.

Giá áo phao trên thị trường bình thường dao động từ 40.000-50.000 đồng/chiếc, nhưng tại một số điểm bán, giá đã tăng lên 120.000-150.000 đồng/chiếc. Hành vi lợi dụng tình hình thiên tai để tăng giá bất hợp lý như vậy có thể bị xử phạt nặng theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thảm họa, thiên tai để trục lợi.

Theo Nghị định 87/2024/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đã quy định các mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Lợi dụng bão lũ tăng giá bất hợp lý, có thể đối mặt mức phạt nặng
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình, nguồn: Internet

Bão số 3 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và vận tải, dẫn đến gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Do đó, một số mặt hàng thiết yếu như rau củ đã tăng giá.

Để đối phó với tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 13/9/2024, chỉ đạo tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương bị ảnh hưởng. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý sử dụng linh hoạt các biện pháp điều tiết giá, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá.

Cùng với việc điều hành giá, công tác thông tin và truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo minh bạch thông tin giá cả. Điều này giúp ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ, tránh tình trạng gia tăng lạm phát kỳ vọng và ổn định thị trường.

Ông Bình cho biết thêm, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả và cung cầu hàng hóa để có biện pháp ứng phó kịp thời. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc đầu cơ tăng giá. Đồng thời, các bộ, ngành cần tính toán kỹ lưỡng các phương án điều hành giá các mặt hàng dịch vụ công để tránh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ngoài ra, việc hỗ trợ lưu thông hàng hóa đến các vùng sâu, vùng xa và các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng là nhiệm vụ quan trọng để ổn định nguồn cung và thị trường. Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan chức năng để theo dõi sát tình hình, kịp thời báo cáo lên Chính phủ và đề xuất các biện pháp điều hành giá phù hợp với thực tế.

>> Giá vàng miếng SJC bật tăng mạnh, lên mức 82 triệu đồng/lượng

Lùm xùm chuyện đấu giá tranh gây quỹ thiện nguyện giúp đồng bào gặp lũ lụt

Giá vàng miếng SJC bật tăng mạnh, lên mức 82 triệu đồng/lượng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loi-dung-bao-lu-tang-gia-bat-hop-ly-co-the-doi-mat-muc-phat-nang-249298.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Lợi dụng bão lũ tăng giá bất hợp lý, có thể đối mặt mức phạt nặng
POWERED BY ONECMS & INTECH