Các ông lớn như Intel đã đầu tư vào Việt Nam được 17 năm, Samsung 15 năm, … và vẫn có những kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn và cũng chính là vũ khí lợi hại giúp Trung Quốc đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến Thương mại. Tuy nhiên, đất hiếm không chỉ có ở Trung Quốc, Quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 trên thế giới chính là Việt Nam.
Trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn. Điều này có được là nhờ phần lớn từ con “át chủ bài” đất hiếm.
Trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 trên thế giới
Theo các nhà địa chất, đất hiếm chứa 17 nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ Trái đất. Người ta dùng 17 nguyên tố đó sản xuất các linh kiện trong điện thoại, pin mặt trời, động cơ xe hơi,... Đặc biệt là đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong việc phát triển các dạng năng lượng mà không gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù gọi là đất hiếm nhưng thực tế đất hiếm có sẵn khá nhiều trong tự nhiên, độ phổ biến tương đương mạ kền, thiếc, tuy nhiên không dễ khai thác và chiết tách. Hiện nay, đất hiếm là nguyên liệu chính để sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao trên thế giới điển hình là Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Trong đó Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm nhiều nhất thế giới với trữ lượng chiếm 37% thế giới, 70% sản lượng toàn cầu.
Đặc biệt Việt Nam đứng hai thế giới về trữ lượng đất hiếm, khoảng 22 triệu tấn, đứng sau Trung Quốc. Xếp sau là Brazil 21 triệu tấn, Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ, có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên. Trong đó, chúng ta đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) với trữ lượng lớn, có hàm lượng tổng REO trong quặng nguyên khai từ 0,5 đến trên 10%.
Ngoài ra, ta còn có các mỏ đất hiếm dạng hấp thụ ion ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Mỏ đất hiếm cũng được tìm thấy ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Kon Tum, Nghệ An, Lâm Đồng. Một số quặng đất hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh - Vũng Tàu.
Lai Châu có trữ lượng đất hiếm lớn, tỉnh đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm với tổng diện tích 2.779,4ha, trong đó có mỏ Đông Pao được coi là mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước. Mỏ đã được giao cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu và đối tác Nhật Bản khai thác từ năm 2014. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được khai thác.
Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã tìm đến những đất nước có vùng đất hiếm đồi dào. Chính vì vậy các ông lớn của Hàn Quốc đã đặt những nhà máy lớn tại Việt Nam như Samsung, Huyndai, LG, … Hàn Quốc bán công nghệ để đối lấy khoáng sản, còn Việt Nam được gia nhập chuỗi cung ứng vật liệu chiến lược quốc tế.
Hay như Intel – Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã đổ bộ vào Việt Nam từ 17 năm trước, và đến nay nhà máy Intel Việt Nam chiếm hơn 50% sản lượng trong hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel trên toàn cầu.
Cơ hội mở rộng với đất hiếm
Cuộc chiến nguyên liệu về chất bán dẫn đang nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là sau khi Mỹ tiếp tục thắt chặt xuất khẩu chip cho Trung Quốc. Nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng cũng tăng cao trong thời kỳ đại dịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và buộc các nhà máy cắt giảm sản lượng. Do đó tự chủ về công nghiệp bán dẫn là vấn đề sống còn của các nền kinh tế.
73% các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong các ngành công nghiệp trưởng thành, bao gồm thủy tinh, gốm sứ và luyện kim. Số còn lại là 27% sẽ được sử dụng để sản xuất nam châm mới, thành phần quan trọng trong xe điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng xe điện tăng lên 125 triệu vào năm 2030, trong khi đó 1 chiếc xe cần từ 1kg đến 2kg nam châm mới.
Yêu cầu về nguyên liệu làm chất bán dẫn và sản xuất pin xe điện đẩy nhu cầu về nhập khẩu đất hiếm ngày một tăng. Ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc là quốc gia cung cấp đất hiếm hàng đầu khiến cho nhiều nước lo lắng và bắt đầu đi tìm kiếm nguồn cung mới.
Lúc này Việt Nam với trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai. Không những thế nước ta có vị trí thuận lợi khi tiếp cận thị trường trọng điểm trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... những quốc gia nhập khẩu đất hiếm lớn.
Khi cả thế giới cùng hướng tới tương lai năng lượng xanh thì tất yếu nhu cầu về đất hiếm tăng theo. Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Hiện nay, Việt nam mới chỉ sản xuất thô chứ chưa phân tách các nguyên tố trong đất để gia công thành công đất hiếm tinh chất. Bên cạnh đó khai thác đất hiếm còn có nguy cơ tổn hại đến môi trường bởi trong đất hiếm có phóng xạ nên gây nguy hiểm cho công nhân và cả môi trường xung quanh. Do đó cần phải chú trọng xem xét ngay từ khâu đầu tiên - đầu tư cũng như giám sát ô nhiễm trong suốt quá trình vận hành.
Giữa bối cảnh thế giới đang cần đất hiếm để sản xuất chất bán dẫn cũng như pin xe điện, Việt Nam với trữ lượng lớn đang có cơ hội để phát triển. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để ngành khai thác khoáng sản đạt được những thành tựu nổi bật.
Kinh tế Nhật Bản bất ngờ đón tin vui nhờ thị trường Trung Quốc
Khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác, đầu tư vào Việt Nam