Tham gia chuỗi giá trị chip bán dẫn, Việt Nam có cơ hội chia phần chiếc bánh 1.500 tỷ USD
GlobalFoundries mở nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Singapore trị giá 4 tỷ USD, Việt Nam cũng hoàn toàn có khả năng đón cơ hội.
GlobalFoundries mở nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Singapore trị giá 4 tỷ USD
GlobalFoundries, một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất gia công chip, mới đã khai trương một nhà máy chế tạo chất bán dẫn trị giá 4 tỷ USD tại Singapore, như một phần của kế hoạch mở rộng sản xuất lớn trên toàn cầu.
Tan Yew Kong, Giám đốc chi nhánh Singapore của công ty, thông tin với tờ Reuters: Cơ sở mới rộng 23.000 mét vuông của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ sẽ có thể sản xuất với công suất tối đa mỗi năm lên tới 450.000 tấm wafer 300 mm, dự kiến sẽ đi vào sản xuất từ năm 2025 đến năm 2026 và sẽ tạo ra khoảng 1.000 việc làm.
Ông nói: “Nếu chúng tôi vận hành tối đa công suất tại cơ sở ở Singapore, nó có thể sẽ đem lại khoảng 45% doanh thu cho GlobalFoundries. Đồng thời công ty dự đoán nhu cầu chip toàn cầu yếu sẽ tăng vào nửa cuối năm 2024”.
Hoạt động tại Singapore của công ty, phục vụ 200 khách hàng trên toàn thế giới, còn bao gồm hai nhà máy khác sản xuất lần lượt 720.000 tấm wafer 300mm và 692.000 tấm wafer 200mm mỗi năm. Các con chip này được sử dụng trong ô tô và công nghệ 5G.
GlobalFoundries đã công bố mở rộng toàn cầu trị giá 6 tỷ USD vào năm 2021 trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trong thời kỳ đại dịch đã chuyển thành thặng dư.
Một trong những khách hàng lớn nhất của GlobalFoundries là Qualcomm. Hãng chip này ngày 12/9 cho biết họ đã ký thỏa thuận với Apple để cung cấp chip 5G cho đến ít nhất là năm 2026, điều này sẽ mang lại lợi ích cho GlobalFoundries.
Theo xếp hạng của TrendForce, TSMCcủa Đài Loan hiện tại là xưởng đúc lớn nhất thế giới tính theo thị phần và doanh thu. Họ chiếm khoảng 56% thị phần, tiếp đến là Samsung (18%), UMC (7%) và GlobalFoundries (7%).
GlobalFoundries tham dự cuộc họp cùng Intel, Google tại Việt Nam
GlobalFoundries cũng góp mặt trong khoảng 30 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tháp tùng Tổng thống Joe Biden trog chuyến công du tới Việt Nam, bên cạnh nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn lớn như Intel, Amkor, Marvell,… Lãnh đạo các doanh nghiệp này cùng với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đã tham gia Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden |
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Chúng ta sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn”.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá, Việt Nam trong suốt thập kỷ qua nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Mỹ đang mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm lĩnh vực bán dẫn.
Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT FPT, nhận định việc tham gia chuỗi giá trị chip bán dẫn có nghĩa là Việt Nam có cơ hội được chia phần trong chiếc bánh có quy mô 1.500 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. Chỉ cần 10% trong 1.500 tỷ USD cũng đủ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, bởi chip bán dẫn là công nghệ nền tảng cho các công nghệ khác.
“Nếu Hoa Kỳ và các cường quốc chip trên thế giới có chiến lược chuyển sản xuất chip sang Việt Nam, thì tôi tin rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia mạnh trong lĩnh vực chip bán dẫn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và sản xuất chip. Tôi nhắc lại, khó nhất là thị trường, là bán hàng, còn những khâu còn lại, Việt Nam sẽ làm được, tất nhiên cần sự chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư cho sản xuất”, ông cho biết thêm.