Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, Thế Giới Di Động có hệ thống thương mại điện tử (TMĐT) V.I.P khác biệt so với các sàn TMĐT truyền thống.
Vào quý cuối năm 2023, Thế Giới Di Động (MWG) đóng cửa khoảng 200 cửa hàng truyền thống, điều này nằm trong chiến lược "giảm lượng, tăng chất" và tăng cường bán hàng qua các kênh online của doanh nghiệp. Chiến lược phát triển năm 2024, MWG kỳ vọng doanh số online sẽ đóng góp từ 5 - 30% doanh thu tùy thuộc vào đặc tính từng ngành hàng.
Vào năm 2023, doanh thu kênh online đạt 16.899 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng doanh thu 118.280 tỷ đồng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2024, kênh bán hàng này đang có sự "hụt hơi" khi chỉ đem về 3.626 tỷ đồng doanh thu, chiếm 11,5% trên tổng doanh thu 31.486 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài (trái) cho biết, Thế Giới Di Động có hệ thống thương mại điện tử V.I.P khác biệt với sàn thương mại điện tử truyền thống |
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 mới diễn ra, cổ đông đặt câu hỏi về khả năng cạnh tranh của MWG so với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay: "Truyền thống của Thế Giới Di Động là không quan tâm đến việc người ta làm gì. Tuy nhiên, hiện nay TMĐT đang là trend, thậm chí nhiều nhà sản xuất như Samsung, Apple cũng đang bán hàng trên các App TMĐT. Xin hỏi anh Tài, Thế Giới Di Động có lợi thế gì trong các kênh bán hàng online so với các sàn TMĐT khác?"
Trả lời câu hỏi trên, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, MWG cũng có TMĐT mang tên là TMĐT V.I.P.
"V.I.P nghĩa là sao? TMĐT truyền thống bình thường các bạn mua 1 cái máy xay sinh tố, các bạn đặt hàng và mong đợi có người đến giao hàng, nếu có gì đó xui xui thì trả hàng cũng vất vả. Với TMĐT V.I.P, khách hàng lên website hoặc ứng dụng nào đó của Thế Giới Di Động để đặt hàng, như Bách Hóa Xanh thì lên ứng dụng Bách Hóa Xanh đặt hàng. Ví dụ, đặt trái sầu riêng mà không thấy ngon, ai đó sẽ sẵn sàng hoàn trả toàn bộ tiền trái sầu riêng mà không cần lấy lại quả" - ông Tài cắt nghĩa.
Theo Chủ tịch Thế Giới Di Động, điểm khác biệt giữa TMĐT V.I.P và TMĐT truyền thống nằm ở 3 "key" là: tốc độ, dịch vụ và hậu mãi.
"Bình thường, khi có ai đó alo cho bạn để giao hàng, mặc dù bạn đang ở công ty, họ hối nếu không lấy hàng luôn sẽ trả về kho. Thế Giới Di Động muốn tách mình ra khỏi TMĐT bình thường đó" - ông Tài chia sẻ.
Tỷ trọng và doanh thu cụ thể của 4 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam |
Theo số liệu từ công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI, tổng giá trị giao dịch trên sàn (GMV) của 4 ông lớn đang chiếm lĩnh thị trường TMĐT của Việt Nam gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki trong quý I/2024 đạt khoảng 79.120 tỷ đồng (số liệu trên đã được lọc bỏ các trường hợp số ảo, sản phẩm quà tặng, nhà bán quốc tế).
Trong đó, Shopee chiếm thị phần cao nhất với 67,9%, tiếp đến là TikTok Shop (23,2%), Lazada (7,6%), Tiki (1,3%).
Ngành hàng mang lại doanh thu lớn nhất là thời trang và phụ kiện (gần 23.400 tỷ đồng), tiếp theo là điện máy (hơn 12.670 tỷ đồng), nhà cửa và đời sống (hơn 10.100 tỷ đồng)…
YouNet ECI dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm tiến tới năm 2025, thúc đẩy bởi sự phát triển của mua sắm kết hợp giải trí và sự xuất hiện chính thức trên sàn thương mại điện tử của các nhãn hàng lớn.
>> Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: 8.600 nhân sự Thế Giới Di Động (MWG) nghỉ việc chủ yếu là tự nguyện