LPBank (LPB) thay đổi ngày và địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường
Trước đó, ngân hàng dự kiến họp ĐHĐCĐ vào ngày 15/11 tại trụ sở ngân hàng ở Hà Nội.
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã: LPB) vừa thông báo dời thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024. Theo đó, sự kiện sẽ được tổ chức vào ngày 16/11, thay vì ngày 15/11 như thông báo trước, và diễn ra tại khách sạn Ninh Bình Legend, TP Ninh Bình thay vì tại trụ sở ngân hàng ở Hà Nội.
Từ khi ông Nguyễn Đức Thụy đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT cuối năm 2022, khách sạn Ninh Bình Legend trở thành địa điểm quen thuộc cho các kỳ ĐHĐCĐ của LPBank, bao gồm các cuộc họp thường niên năm 2023 và 2024.
Ban đầu, ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 22/9, nhưng sau đó được lùi lại đến ngày 15/11 để HĐQT có thời gian hoàn thiện các hồ sơ trình ĐHĐCĐ. Trong đợt này, LPBank dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua nhiều nội dung quan trọng, bao gồm việc tăng số lượng thành viên HĐQT từ 7 lên 9 người, với 3 thành viên độc lập.
LPBank đổi địa điểm họp ĐHĐCĐ bất thường về Ninh Bình thay vì tại trụ sở ngân hàng ở Hà Nội, nguồn: Internet |
Hai ứng viên thành viên HĐQT độc lập được đề cử gồm bà Vương Thị Huyền và ông Yew Teong Soon Alan. Bà Huyền là gương mặt quen thuộc trên thị trường tài chính với kinh nghiệm quản lý tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP giải pháp Fast Capital. Ông Alan có 30 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và hiện là thành viên HĐQT độc lập tại CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS).
Ngoài bổ sung nhân sự, LPBank còn dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ của CTCP FPT (HOSE: FPT), tương đương 73 triệu cổ phiếu. Với giá đóng cửa ngày 8/11 là 135.800 đồng/cổ phiếu, ngân hàng ước tính cần khoảng 10.000 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này. Theo HĐQT LPBank, việc đầu tư vào FPT giúp đa dạng hóa danh mục và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông, đồng thời kỳ vọng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn.
Ngoài ra, LPBank cũng có kế hoạch điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ. Trước đó, cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, HĐQT đề xuất điều chỉnh mức tăng vốn lên 29.873 tỷ đồng bằng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%.
>> Thấy gì từ Top 5 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024?