Nếu trước đây, Việt kiều nếu muốn mua nhà trong nước thường gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí phải nhờ người thân đứng tên hộ; thì trong thời gian tới chỉ cần là người Việt, dù ở đâu cũng có thể dễ mua nhà ở quê hương.
Trong tương lai, Việt kiều sẽ dễ dàng mua nhà trong nước
Luật Đất đai được thực thi đầu năm 2025 có những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả người Việt Nam định cư sinh sống ở nước ngoài. Người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (người còn quốc tịch Việt Nam) sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước.
Người Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều) được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này). Cùng với đó là nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà.
Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
Người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam cũng có quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền chung của người sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ cá nhân sử dụng đất; quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất gồm cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được bình đẳng, ngang nhau.
Giới chuyên gia nghĩ gì khi Luật Đất đai 2024 gỡ “nút thắt” mua nhà của Việt kiều?
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM trả lời trên Vnexpress, đánh giá các quy định trong luật Đất đai mới, cùng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ năm 2025 tạo điều kiện để Việt kiều đầu tư, mua nhà ở tại Việt Nam thuận lợi hơn.
Ông lý giải, theo pháp luật hiện hành, Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, luật sư Hậu nói rằng cái khó là các thủ tục, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc Việt Nam phức tạp đã khiến Việt kiều nản lòng.
Vì vậy, nhiều Việt kiều đã lựa chọn giải pháp nhờ người thân đứng tên khi mua bất động sản trong nước. Điều này cũng đã dẫn đến tranh chấp, kiện tụng với một số trường hợp khi trong gia đình có vấn đề hoặc biến cố xảy ra. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư cũng bối rối khi không biết dự án của mình có được phép bán cho Việt kiều hay không, bởi việc này cần được các cơ quan quản lý phê duyệt.
Ông Hậu cho rằng quy định rõ ràng tại Luật Đất đai 2024 sẽ là tiền đề để Chính phủ hướng dẫn các cơ quan tư pháp tạo điều kiện để người dân chứng minh nguồn gốc Việt đơn giản hơn.
Luật sư Hoàng Thu (Đoàn luật sư TP. HCM) cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, đây là điểm mới, khác biệt so với Luật Đất đai trước đây. Bởi việc mở rộng quyền của người sử dụng đất đối với nhóm đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chính sách này là chính đáng, có thể giúp huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam để phát triển kinh tế, xã hội. Trước đây những người Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ không được quyền như người có quốc tịch Việt Nam.
Bởi dù pháp luật hiện hành cho phép Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam nhưng điều kiện chứng minh quá khắt khe nên nhiều người phải ủy quyền cho người thân đứng tên. Điều này phát sinh nhiều hệ lụy khi xảy ra nhiều trường hợp khiếu kiện. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai và trước đó là các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản. Từ đó giúp thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
>> Bộ TN&MT thông tin về kế hoạch thực hiện Luật Đất đai năm 2024
Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đã lên đến hơn 600.000 người
Bắt Việt kiều 'dỏm' lấy USD giả lừa 500 triệu đồng của người phụ nữ