Bất động sản

Luật Nhà ở vừa thông qua, thị trường bất động sản có bớt khó?

Hồng Khanh 29/11/2023 - 07:11

Đại diện doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều quy định mới tốt hơn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà là tín hiệu đáng mừng.

Rộng cửa mua nhà ở xã hội

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận xét, Luật Nhà ở mới (vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11) có chất lượng tốt nhất trong 30 năm qua, với những quy định tích cực, phù hợp thực tiễn, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014.

Ông Châu phân tích, Luật Nhà ở mới không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư.

Đồng thời, với các quy định trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn có đầy đủ các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện việc “cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” khi nhà chung cư đã hết “thời hạn sử dụng” hoặc bị xuống cấp hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng.

W-bat-dong-san-vietnamnet-2-1.jpg
Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. (Ảnh: Hồng Khanh)

Đối với vấn đề về quỹ bảo trì tại chung cư, Luật Nhà ở mới đã quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản “riêng” để quản lý kinh phí bảo trì và quy định chủ đầu tư không được sử dụng kinh phí bảo trì “vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư”. Đồng thời quy định việc cưỡng chế khi chủ đầu tư dự án không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị của UBND cấp huyện.

“Quy định trên phù hợp với thực tiễn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân nhà chung cư và tăng cường vai trò của UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với tất cả nhà chung cư trên địa bàn, thay vì giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện “cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì” như quy định của Luật Nhà ở 2014” – ông Châu phân tích.

Lãnh đạo một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội thì đánh giá cao việc Luật Nhà ở mới đã đưa vào quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) không phải bằng vốn đầu tư công được dành tỷ lệ đối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.

“NƠXH muốn phát triển thì nhà đầu tư cũng phải có lợi nhuận nên quy định trên sẽ mở ra hướng mới để doanh nghiệp có lợi nhuận. Trên thực tế, cơ chế này đã được nhiều địa phương thực hiện như tại Bắc Ninh và có hiệu quả khi thu hút các doanh nghiệp làm NƠXH. Việc đưa vào Luật Nhà ở mới là hướng mở tích cực cho nhà đầu tư phát triển NƠXH thời gian tới” - vị này nói.

Bên cạnh đó, người mua NƠXH được bãi bỏ “điều kiện cư trú”, hoặc giao cho Chính phủ quy định “điều kiện về thu nhập” đối với đối tượng được mua, thuê mua NƠXH, hoặc quy định “đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập” được đánh giá là hợp tình hợp lý, để phù hợp với thực tế dịch chuyển và thu hút lao động giữa các vùng miền, địa phương và để phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

Luật Nhà ở “chờ” Luật Đất đai

Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11 nhưng ngày có hiệu lực là từ 1/1/2025 để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau, đồng thời bảo đảm chất lượng ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

ThS. Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý Bất động sản đánh giá, việc thông qua luật sớm ít nhất một kỳ họp so với Luật Đất đai không có nhiều ý nghĩa đối với việc tháo gỡ cho các dự án đầu tư bất động sản hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, ý nghĩa lớn nhất có lẽ là thời gian từ thời điểm ban hành đến thời điểm có hiệu lực dài hơn, để các chủ thể nghiên cứu, nắm bắt các điểm mới của luật kỹ càng hơn, giúp thực thi trơn tru hơn ngay khi luật có hiệu lực.

“Ngoài ra, thời gian chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành dài hơn sẽ tránh được việc luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư… Tương tự việc Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 nhưng phải đến ngày 10/12/2015 thì Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành mới có hiệu lực” – ông Đỉnh nói.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cũng cho rằng, thời điểm ban hành Luật Nhà ở mới đến thời điểm có hiệu lực kéo dài nên việc tác động đến sẽ từ từ, nhất là trong thời điểm thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này đánh giá, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) là tín hiệu đáng mừng với nhiều quy định mới tốt hơn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà.

“Bản thân thị trường bất động sản hiện đang rất khó khăn nên tác động của luật chưa thể rõ ngay được. Nhưng đây là tín hiệu đáng mừng giải quyết được những chồng chéo, tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện dự án tiến tới tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý các dự án trong thời gian tới. Để có tác động lâu dài Luật Nhà ở (sửa đổi) cần cộng hưởng của nhiều luật khác đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) nên tâm lý hiện nay vẫn đang chờ đợi nhiều hơn” – ông Toản nhận định.

Thị trường Hà Nội được “bơm” thêm 2.000 căn nhà ở xã hội với 3 dự án

Nhà ở xã hội đang trở thành tâm điểm toàn ngành, “ông trùm” của lĩnh vực này kinh doanh ra sao?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/luat-nha-o-da-thong-qua-thi-truong-bat-dong-san-co-bot-kho-2220140.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Luật Nhà ở vừa thông qua, thị trường bất động sản có bớt khó?
    POWERED BY ONECMS & INTECH