'Lương cao chưa chắc giữ chân được người lao động'
Câu chuyện về nhân lực bền vững không chỉ đơn thuần là thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho họ phát triển toàn diện.
Chia sẻ tại Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trọng tâm của chữ "S" trong ESG?" do báo Dân trí tổ chức ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho hay, trọng tâm của "S" trong ESG thể hiện qua trách nhiệm xã hội, nhân sự bền vững và đảm bảo phúc lợi, hạnh phúc, an toàn lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.
Theo bà Hà, nhân lực bền vững không chỉ thu hút và giữ chân người tài, mà còn là việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, công bằng và tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức xã hội.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) cho rằng, ai cũng muốn trả lương cao, điều kiện kinh doanh tốt, nhưng vấn đề nguồn lực là sống còn với nhiều doanh nghiệp.
Hiện nay, thế giới đánh giá mức độ bền vững không chỉ ở từng doanh nghiệp, mà đánh giá theo chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt Nam đang muốn tham gia chuỗi sản xuất quốc tế thì phải tiệm cận được tiêu chuẩn của họ.
Về quản trị, doanh nghiệp phải tính đến hiệu suất, chi phí. Ví dụ khi thị trường biến động, làm sao để lao động gắn bó với mình.
Bài toán chi phí trong việc giữ chân lao động hay tuyển mới lao động là rất lớn. Về năng suất, khi môi trường làm việc tốt thì năng suất, hiệu quả lao động cũng tăng lên.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, lương thưởng rất quan trọng với người lao động không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Bởi, tất cả mọi người đều có gia đình phải chăm lo và cần chi tiêu tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung lương cao cho người lao động thì không thể giải quyết và giữ chân họ. Cùng với tiền lương, doanh nghiệp cần trang bị nhiều yếu tố khác như làm việc linh hoạt, môi trường làm việc thân thiện...
Bà Ingrid Christensen nêu ví dụ, nếu nhân viên có con nhỏ thì nhu cầu của họ không chỉ là tiền mà động lực của mỗi người cũng khác nhau, có người cần sự tự do trong công việc, có người cần sự tôn trọng, ghi nhận từ doanh nghiệp...
Cần xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc
Ông Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam nhấn mạnh, ESG ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Trong đó xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là của tổ chức và doanh nghiệp.
SCG Việt Nam xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn nhất quán từ cấp quản lý xuống nhân viên, đồng thời định kỳ đánh giá hiệu quả của các chương trình để có thể điều chỉnh phù hợp với từng bối cảnh.
Ông Thipphiansak cũng cho biết, với điều kiện cho phép, các tiêu chuẩn có thể được nâng cao; trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể áp dụng tiêu chuẩn đơn giản hơn nhưng phải cam kết thực hiện.
TS Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (Vingroup) khẳng định, nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc là yếu tố then chốt để thành công trong ESG. Vì vậy, khía cạnh này cần sự đầu tư và kiên trì để đạt hiệu quả.
“Hãy coi nhân viên là tài sản quý giá nhất trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp”, TS Lê Thái Hà chia sẻ.