Chỉ tính riêng Novaland (NVL), Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) đã chiếm 61% giá trị tồn kho toàn ngành bất động sản tính đến cuối quý 3/2023.
Dẫn số liệu báo cáo của 52/63 địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, lượng tồn kho bất động sản trong quý 3/2023 vào khoảng 16.940 sản phẩm (chủ yếu tập trung tại phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền) trong đó chung cư còn 3.196 căn, nhà ở riêng lẻ 6.554 căn, đất nền 7.190 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Dẫn số liệu VietstockFinance khảo sát tại 103 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 trên sàn chứng khoán, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến 30/9 ghi nhận mức 448.625 tỷ đồng (tương đương hơn 18 tỷ USD) - giảm 3,5% so với đầu năm và giảm 1,5% so với cuối quý liền trước.
Trong số được thống kê, có 42 doanh nghiệp ghi nhận tồn kho giảm và 47 doanh nghiệp ghi nhận biến động tăng hàng tồn kho.
Novaland là doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn nhất với hơn 137.000 tỷ đồng, bằng tổng lượng tồn kho của Vinhomes (55.100 tỷ) và Vingroup (83.700 tỷ) cộng lại. Chỉ riêng 3 gương mặt này đã chiếm 61% giá trị tồn kho toàn ngành.
Becamex có giá trị tồn kho hơn 22.100 tỷ đồng; các đại diện khác như KBC, DXG, NLG, KDH, PDR đều ghi nhận trên 10.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng tồn kho lớn trong tổng cơ cấu tài sản có thể kể đến QCG (7.101 tỷ - chiếm 74%), KDH (17.153 tỷ - chiếm 74%), NLG (16.800 tỷ - chiếm 61%), PDR (12.158 tỷ - chiếm 59%), NVL (137.600 tỷ - chiếm 55%).
Cần nhấn mạnh rằng, một lượng rất lớn hàng tồn kho bất động sản đã được các doanh nghiệp dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng,... Việc gia tăng tồn kho đồng nghĩa với áp lực trả nợ của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên tương ứng, thậm chí có thể chuyển thành nợ xấu.
Theo số liệu công bố của Bộ Xây dựng, 10 tháng kể từ đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường bất động sản để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, nếu không nợ xấu bất động sản sẽ gia tăng.
HoREA cho rằng, theo phân tích, phải từ nửa cuối năm 2024 thị trường bất động sản mới xuất hiện triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Xem thêm:
Novaland (NVL): Hơn 800 kỹ sư, công nhân gấp rút hoàn thiện phân khu tại siêu dự án quy mô 1.000ha
FTSE Vietnam Index sẽ bán ra loạt cổ phiếu VN30, hai mã bị bán hết