Khi về già, dù lương hưu có cao và nhiều con đi chăng nữa hãy giữ gìn sức khỏe và đừng quá kỳ vọng vào con cái.
Bài viết là lời chia sẻ của một người đàn ông, được chia sẻ trên Toutiao (MXH Trung Quốc).
Tôi tên là Đại Lý, năm nay 72 tuổi, từng là một giáo viên trung học và đã tận hưởng tuổi nghỉ hưu được hơn 11 năm. Lương hưu hàng tháng của tôi là hơn 9.000 NDT (hơn 31 triệu đồng). Vợ tôi trước khi nghỉ hưu cũng là một viên chức với mức lương là 3.400 NDT (khoảng 11,7 triệu đồng).
Sau khi cả hai đều đã nghỉ hưu, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và yên bình với tuổi già. Thu nhập ổn định của chúng tôi đủ để sống một cuộc sống thoải mái và dành chút tiền dành dụm cho các chi phí y tế khi cần thiết.
Ngoài ra, chúng tôi còn có hai đứa con, một trai và một gái, đều đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở các thành phố lớn. Chúng có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, luôn hiếu thảo và quan tâm đến chúng tôi. Trong 11 năm qua, vợ chồng tôi đã sống cuộc sống với sự thoải mái và tự do, thường xuyên đi du lịch và tận hưởng những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Mỗi tháng, chúng tôi đều dành thời gian để khám phá những địa điểm mới.
Chúng tôi đã luôn coi du lịch như một nguồn hạnh phúc, một cách để khám phá nhiều địa điểm trên khắp đất nước, thưởng thức những món ăn ngon và ghi lại những khoảnh khắc đẹp qua ảnh sẽ giúp chúng tôi mở rộng tầm nhìn. Trước đó, chúng tôi chưa bao giờ lo lắng về sức khỏe và việc chăm sóc cho tuổi già. Tôi tin rằng có một khoản tiền dành dụm khi về già sẽ mang lại sự an tâm.
Tuy nhiên, không ai ngờ rằng thời gian hạnh phúc không kéo dài lâu. Trong một lần đi du lịch, vợ tôi bất ngờ ngã quỵ. Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là vợ tôi bị say nắng, nhưng sau đó phát hiện sức khỏe của cô không ổn và buộc phải nhập viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán vợ tôi bị cao huyết áp, gây ra đứt mạch máu não. Do không được cấp cứu kịp thời nên chi phí điều trị tăng cao. Tình trạng sức khỏe của vợ tôi cũng đi xuống rõ rệt, khiến cho mọi hoạt động hàng ngày phải dựa vào sự giúp đỡ từ người khác.
Từ câu chuyện thực tế của gia đình, tôi đã nhận ra được hai bài học quý giá khi về già:
1. Nếu không khỏe mạnh thì bạn có bao nhiêu lương hưu cũng vô ích
Việc khám phá các địa điểm du lịch sau khi về hưu thực sự đã mang lại cho tôi rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời và khoảng thời gian đáng nhớ. Tuy nhiên, điều cuối cùng mà các chuyến du lịch lại khiến tôi mất nhiều hơn là được.
Để có thể thăm thú các danh lam thắng cảnh trong thời gian ngắn, tôi thường phải thay đổi lịch trình làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống không đều và phải chịu sự mệt mỏi của việc di chuyển, điều này dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.
Tôi bắt đầu phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe như viêm khớp, đau dạ dày và viêm tuyến tiền liệt. Tình trạng sức khỏe của tôi càng trở nên tồi tệ hơn sau mỗi chuyến đi. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ rằng đó là những vấn đề thông thường của người già, chỉ cần uống một ít thuốc là sẽ ổn sau 1-2 ngày.
Vì suy nghĩ như vậy nên tôi không chú ý nhiều đến sức khỏe của mình, mặc dù xung quanh tôi có nhiều người già bận rộn với việc chăm sóc sức khỏe như đi khám định kỳ, cân nhắc các gói bảo hiểm, đi châm cứu, bấm huyệt. Còn tôi lại coi thường sức khỏe và đặt du lịch lên hàng đầu.
Sau chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần tới Bắc Hải vào mùa hè năm ngoái, tôi cảm thấy trong lòng rất khó chịu, lúc đầu còn tưởng là do đau dạ dày, nhưng sau khi uống thuốc vẫn không đỡ. Tôi đã phải nhập viện kiểm tra và điều trị. Đến lúc này, tôi mới thấy sức khỏe là vàng là bạc. Thời gian nằm viện 2 tuần cũng ngốn của tôi một khoản tiền.
Đến lúc này tôi hiểu ra nếu cơ thể không khỏe mạnh, lương hưu có bao nhiêu cũng vô ích. Khi về già, có tiền không có nghĩa là sẽ hạnh phúc, mà có sức khỏe thì mới có hạnh phúc bền lâu.
2. Con cái chưa chắc đã chăm sóc bố mẹ già yếu
Trước kia, tôi đã nuôi dạy các con của mình rất chu đáo. Chúng đã trưởng thành và chuyển đến các thành phố lớn để làm việc và sinh sống. Dù vậy, các con rất quý trọng và hiếu thảo với bố mẹ. Sống xa nhà là vậy nhưng các con luôn cố gắng sắp xếp thời gian để về thăm tôi và vợ vào mỗi dịp Tết và ngày lễ. Đôi khi, chúng cũng dành thời gian để đưa chúng tôi đi du lịch.
Nhưng kể từ khi tôi mắc bệnh và phải nhập viện, tôi bắt đầu cảm nhận thái độ của các con dần thay đổi. Ban đầu, sau vài ngày ở viện, chúng bắt đầu thể hiện sự mệt mỏi và chán chường. Đối với việc chăm sóc vợ tôi, tôi phải tự lo lắng vì các con không đóng góp nhiều, thậm chí chỉ gửi tiền.
Khi vợ chồng tôi muốn đến ở nhà các con để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh ở các thành phố lớn, các con đều từ chối với lý do rằng sẽ gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày. Họ đề xuất thuê người giúp việc thay vì đón tiếp chúng tôi, điều này khiến tôi cảm thấy chạnh lòng vì tôi luôn khao khát có một gia đình sum họp, ấm áp khi về già.
Sau khi vợ chồng tôi đều mắc bệnh, tôi nhận ra rằng dù có nhiều con đến đâu, không phải lúc nào chúng cũng là nơi để nương tựa trong những năm tháng cuối đời, đặc biệt là trong thời đại ngày nay khi giới trẻ phải đối mặt với áp lực công việc và cuộc sống.
Cuối cùng, thông qua trải nghiệm của mình, tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng trong những năm tháng cuối đời, dù có lương hưu cao đến đâu và có bao nhiêu con, hãy chú ý đến sức khỏe của bản thân và không nên đặt quá nhiều hy vọng vào con cái. Chỉ bằng cách duy trì sức khỏe và trở nên mạnh mẽ, chúng ta mới có thể tận hưởng hạnh phúc những năm tháng tuổi già.
Theo Toutiao