Lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới
Lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tiếp tục đạt kỷ lục trong tháng 3/2024, thời điểm các tổ chức tín dụng rục rịch tăng lãi suất huy động sau hơn 1 năm chỉ có giảm.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tiếp tục đạt kỷ lục trong tháng 3/2024, thời điểm các tổ chức tín dụng rục rịch tăng lãi suất huy động sau hơn 1 năm lãi suất chỉ có giảm.
Cụ thể, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3/2024 đạt 6,676 triệu tỷ đồng, tăng thêm 39.000 tỷ đồng so với tháng trước đó và cao hơn 2,2% so với cuối năm 2023. Đây tiếp tục là mức kỷ lục mới về lượng tiền gửi trong một tháng. Con số này liên tục tăng trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao bất chấp mặt bằng lãi suất huy động ở mức rất thấp, được cho là do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản không còn hấp dẫn nhà đầu tư như trước.
Lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại từ cuối tháng 3/2024. Theo ghi nhận của VietNamNet, trong tháng 3, có tới 25 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, song dấu hiệu tăng lãi suất huy động quay trở lại khi một số nhà băng điều chỉnh tăng từ ngày 19-31/3, như: SHB, Saigonbank, VPBank và Eximbank.
Sang tháng 4, lần đầu tiên sau hơn 1 năm số lượng các ngân hàng tăng lãi suất huy động đã nhiều hơn so với số ngân hàng giảm lãi suất.
Thống kê của VietNamNet cho thấy, có tới 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động; trong đó VPBank và KienLong Bank đã hai lần tăng lãi suất trong tháng này. Ngược lại, số lượng ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong tháng là 12.
Số lượng ngân hàng tăng lãi suất huy động càng vượt trội khi trong tháng 5, có tới 20 nhà băng tăng lãi suất huy động. Các kỳ hạn gửi tiền lãi suất từ 5%/năm trở lên ngày càng nhiều, thay vì hiếm hoi như 3 tháng trước đó.
Riêng ABBank và VIB có 4 lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng 5. Các ngân hàng CB, SeABank, NCB, Techcombank, Bac A Bank, BVBank, PGBank và HDBank là những ngân hàng đã hai lần tăng lãi suất.
Ngược lại, số ít ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng 5/2024, gồm: VietBank giảm lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, MB giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, VIB giảm lãi suất huy động đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng, VPBank giảm lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng, HDBank giảm lãi suất kỳ hạn 15-18 tháng.
Tuy nhiên, lãi suất của nhóm các ngân hàng trên cùng giảm 0,1%/năm, thấp hơn so với mức tăng lãi suất huy động của chính các ngân hàng này.
Sang tháng 6, số lượng ngân hàng tăng lãi suất huy động càng trở nên áp đảo. Tính đến ngày 21/6, đã có 22 ngân hàng tăng lãi suất huy động (trong đó có 9 ngân hàng tăng lãi suất lần thứ hai, một ngân hàng tăng lần thứ 3).
Eximbank là ngân hàng duy nhất giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 6, mức giảm nhẹ 0,1%/năm các kỳ hạn từ 15-30 tháng (trong khi có 3 lần tăng lãi suất các kỳ hạn còn lại).
Đến nay, lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng là 6,1%/năm, được niêm yết tại OceanBank, OCB, HDBank và NCB.
Lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm mạnh
Thủ tướng: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khi tiền gửi vào ngân hàng tăng?