Không chỉ bán giày dép, mỹ phẩm,... một số công ty khai thác mỏ ở Trung Quốc còn bán hàng tấn than đá qua livestream.
Trung Quốc sản xuất khoảng 60% điện từ than đá, do đó, than đá sẽ là động lực chính trong sản xuất điện ở quốc gia này, đặc biệt là vào ban đêm khi năng lượng mặt trời ngừng sản xuất.
Trong nửa cuối năm 2021, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp tình trạng thiếu điện và than, trong khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nỗi lo thiếu điện đã khiến quốc gia này càng tăng nhập khẩu than dự trữ và tiêu thụ.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng than thô của Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn 4,8%, trong khi nhập khẩu tăng mạnh 88,8%.
Chỉ riêng tháng 3/2023, nhập khẩu than của quốc gia tiêu thụ than lớn nhất nhì thế giới này đã tăng 151% so với cùng kỳ năm 2022 lên 41,17 triệu tấn, mức cao nhất trong 3 năm.
Nhập khẩu than kỷ lục cũng lý giải vì sao lượng tồn kho ở Trung Quốc đang ở mức cao lịch sử.
Lượng tồn kho than cao kỷ lục
Theo Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc (CCTD), dự trữ tại các cảng lớn phía bắc đạt kỷ lục hơn 30 triệu tấn vào tuần trước, cao hơn 20-30% so với giai đoạn 2021-2022.
Bất chấp đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện, nhưng tồn kho than cao kỷ lục đang kéo giá than giảm mạnh.
Than nhiệt với hàm lượng năng lượng 5.500 kilocalories (kcal) được giao dịch gần mức thấp nhất trong hai năm vào khoảng 800 nhân dân tệ (112,04 USD)/tấn, các nguồn tin giao dịch cho biết.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Than Trung Quốc, giá cùng loại từ Australia đã giảm xuống còn khoảng 90 USD/tấn trên cơ sở FOB vào tuần trước, từ mức 100 USD một tuần trước đó.
Bán than qua livestream
Lượng tồn kho than cao kỷ lục trong những tuần gần đây tại nhiều bến cảng và nhà máy điện của Trung Quốc đã khiến một số công ty khai thác mỏ chọn cách sáng tạo hơn để tiếp cận khách hàng.
Cụ thể, trong bối cảnh bán hàng trực tuyến đang thịnh hành ở Trung Quốc, công ty than Huaze Coal Industry vừa mở một đợt bán hàng qua livestream.
Người bán hàng là một phụ nữ trẻ đội mũ bảo hộ màu xanh lam và mặc bộ đồ thợ mỏ, cầm trên tay một cục than và quảng cáo đó là than dạng bột có hàm lượng năng lượng 5.500 kcal được khai thác trực tiếp ở tỉnh Sơn Tây.
Giá bán của 1 tấn than bán qua livestream là 570 - 600 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu – 2 triệu đồng). Mức giá này được cho là cạnh tranh hơn so với thị trường chính thức ở Trung Quốc.
Huaze nhận vận chuyển đơn hàng tối thiểu từ 30 – 35 tấn bằng tàu hỏa, cho thấy thị trường mà công ty nhắm đến là những khách hàng công nghiệp mua buôn.
Triển vọng tương lai
Đến nay các nhà phân tích vẫn chưa thấy dấu hiệu về giá than tăng. Nguyên nhân được cho là sự phục hồi chậm chạp trong nước sau các biện pháp hạn chế trong đại dịch Covid-19 và xuất khẩu thu hẹp làm giảm nhu cầu sử dụng điện từ các nhà sản xuất, vốn chiếm khoảng 2/3 lượng điện sử dụng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, hàng tồn kho có thể giảm. Dữ liệu từ công ty tư vấn Wind cho biết, mức tiêu thụ than hàng ngày tại các nhà máy điện ở vùng ven biển đã tăng 11% trong tuần so với tuần trước lên khoảng 2,06 triệu tấn.
Nhu cầu than khó có thể cải thiện rõ rệt trong mùa hè này, đặc biệt nếu nhu cầu tiêu thụ điện trong lĩnh vực công nghiệp vẫn ở mức ảm đạm như hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu và sản lượng khai thác trong nước ngày càng tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá than, theo nhà phân tích Zhang Yupeng thuộc Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc.
Dữ liệu ngày 15/6 cho thấy sản lượng điện của Trung Quốc là 688,6 tỷ kilowatt giờ (kWh) trong tháng 5, tăng 5,6% so với một năm trước đó.
Trong khi đó, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, tổng sản lượng điện là 3,42 nghìn tỷ kWh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.