Tại những ngôi mộ bí ẩn này đều xuất hiện nhiều hiện tượng lạ khiến hậu thế phải loay hoay đi tìm lời giải.
Trong lịch sử Trung Quốc, lăng mộ của Khổng Minh Gia Cát Lượng và Tần Thủy Hoàng đều để lại cho hậu thế những câu hỏi không lời đáp.
Chỉ xác định được mộ giả của Khổng Minh Gia Cát Lượng
Ngày nay, người đời vẫn nói, Gia Cát Lượng được chôn ở núi Định Quân. Nhưng thực chất đó chỉ là ngôi mộ giả của ông.
Gia Cát Lượng tên tự Khổng Minh, là nhà chính trị quân sự kiệt xuất của Trung Quốc thời Tam Quốc. Đóng góp lớn nhất của ông là hình thành thế chân vạc, liên minh Thục – Ngô chống Ngụy. Ông là một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất trong thời đại của mình, sánh ngang với Tôn Tử.
Sau khi bệnh nặng qua đời ở tuổi 54, ông được đưa đi an táng. Tuy nhiên, mộ phần thực sự nằm ở đâu, đến nay hậu thế vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Theo di nguyện Khổng Minh, ông muốn nằm tại núi Định Quân. Đây là ngọn núi ở Thiểm Tây, do địa hình bằng phẳng có để đóng cả vạn quân nên gọi là Định Quân.
Khu vực đặt mộ vốn không xây kín và có dấu hiệu đặc biệt nên khó phát hiện. Người ta còn xây thêm nhiều mộ giả xung quanh đó để chống bị đào trộm. Ngôi mộ ngày nay vẫn được người đời gọi là “Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu”, nhưng không phải mộ gốc.
Theo tương truyền của người xưa, phần mộ nào mang dòng chữ “Mộ Vũ Hầu” mới là nơi an nghỉ thực sự của Gia Cát Lượng. Ngày nay, cũng có một ngôi mộ mang tên “Mộ Vũ Hầu” nằm phía Tây Bắc núi Định Quân, nhưng các chuyên gia cho rằng, ngay cả nơi này cũng không phải là mộ thật.
Hiện nay, trên khắp Trung Quốc, người đời còn lập nên nhiều đền thờ miếu mạo để tưởng nhớ vị tướng tài ba này.
Ngôi mộ ‘chứa cả thế giới’ của Tần Thủy Hoàng nằm giữa dòng sông thủy ngân
Lăng mộ của vị vua khét tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa - Tần Thủy Hoàng nằm phía Bắc núi Ly Sơn, thuộc địa phận Thiểm Tây, cách Tây An chừng 50km về phía Đông. Được phát hiện cách đây gần nửa thế kỷ và là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất, nhưng lăng mộ vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc vẫn còn là ẩn số. Nhiều phần trong lăng vẫn chưa được khám phá hết.
Bắt đầu từ năm 13 tuổi khi vừa lên ngôi, Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng lăng mộ. Thời gian xây lên tới 38 năm với nguồn nhân lực 720.000 người. Khi chết, vị vua này được chôn trong khu lăng phức tạp nhất, chứa cả “thế giới khổng lồ” trong lòng đất với đội quân đất nung phục vụ Hoàng đế ở “cuộc sống bên kia”.
Trong hàng chục năm làm việc liên tục kể từ khi phần mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện, các nhà khảo cổ tìm thấy khoảng 2.000 tượng binh sỹ bằng đất nung. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, ước tính phải có khoảng 8.000 tượng như vậy. Đặc biệt hơn nữa, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa khám phá tới ngôi mộ trung tâm là nơi chứa xác vị Hoàng đế nổi tiếng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa thể khai quật hết quần thể lăng mộ khổng lồ. Một trong số đó chính là các nhà khảo cổ phát hiện nồng độ thủy ngân trong mộ cao hơn bình thường tới 280 lần. Những “dòng sông thủy ngân” trong mộ có tác dụng cách nhiệt, diệt khuẩn, đồng thời là vũ khí giết chết những kẻ xâm phạm “chỉ vào mà không còn đường ra”, qua đó bảo vệ chốn an nghỉ bình yên cho Hoàng đế. Ngoài ra, nếu khai quật không đúng cách sẽ gây thiệt hại nặng nề các hiện vật bên trong.
Lăng mộ Võ Tắc Thiên với 61 bức tượng mất đầu
Võ Tắc Thiên hay Võ Hậu, là một phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, bà trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu và là Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà cũng là vị Nữ hoàng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử quốc gia này.
Lăng mộ của Võ Tắc Thiên nằm tại Càn Lăng, thuộc tỉnh Thiểm Tây, khu vực tây bắc Trung Quốc. Đây là công trình kiến trúc đời Đường, là nơi an táng hầu hết các thành viên Hoàng tộc nhà Đường.
Cạnh ngọn đồi an táng chính và lăng mộ dưới lòng đất, công trình còn có 17 lăng mộ nhỏ hoặc mộ tùy tùng. Dù trải qua 17 lần cướp phá nhưng Càn Lăng vẫn giữ được khoảng 800 tấn châu báu của cải còn nguyên tới ngày nay.
Trong khuôn viên của Càn Lăng là 103 bức tượng đá, trong đó 61 tượng bị mất đầu vì nhiều nhát chém. Đến nay, nguyên nhân lý giải những bức tượng bị “chặt đầu” vẫn còn là bí ẩn trong giới sử học Trung Quốc.
Đi sâu vào bên trong, người ta sẽ thấy một tấm bia khổng lồ với chiều cao 7.5m, chạm khắc hình đầu rồng, nhưng lại không khắc bất cứ dòng chữ nào. Lý giải về tấm bia không chữ, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, công đức của Võ Tắc Thiên quá lớn, không chữ nào mô tả hết. Số khác lại nhận định, dù Võ Tắc Thiên là người tài năng nhưng cũng nhiều “tật xấu”. Bà khó lòng luận định giữa công và tội, nên bia mộ để trống mà để người đời tự đánh giá.
Xung quanh lăng mộ Võ Tắc Thiên còn có vô số lời đồn thổi, những câu chuyện thêu dệt từ đời này sang đời khác. Người ta nói rằng, động chạm đến lăng mộ thì giông bão nổi lên. Tuy nhiên, do chứa kho báu khổng lồ nên Càn Lăng không nằm ngoài mục tiêu của những kẻ trộm mộ.
Nổi tiếng nhất là lần trộm mộ do Hoàng Sào thời cuối nhà Đường đứng lên huy động hơn 400.000 người liên tục đào bới với hi vọng tìm thấy của cải. Nhưng ngay cả khi đào sâu tới 400m trong núi, họ vẫn không tìm thấy gì. Các nhà khảo cổ ngày nay cho biết, đạo quân này tuy đông đảo nhưng không thông thuộc địa hình của Càn Lăng nên đã đào sai, dẫn tới việc trở về tay không.
Ngày nay, Càn Lăng thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, nhưng chưa bị khai quật, nên được coi là một trong những lăng mộ bí ẩn của lịch sử Trung Hoa.
Lăng mộ chứa quan tài ‘biết đi’ của vua Càn Long
Càn Long là vị Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa, với thời gian trị vì kéo dài hơn 60 năm. Là Hoàng đế vĩ đại triều Thanh, ông nổi tiếng là người thông tường văn học, nghệ thuật, đồng thời là nhà quân sự tài ba. Dưới sự trị vì của ông, triều đại nhà Thanh đạt đến giai đoạn hoàng kim trong lịch sử phát triển.
Từ năm Càn Long thứ 8 (1743) đến năm Càn Long thứ 17 (1752), vị vua này cho xây dựng Dụ Lăng làm nơi an nghỉ ngàn thu. Hiện trong lăng ngoài Càn Long Đế còn là nơi chôn cất của 2 vị Hoàng hậu, cùng 3 Hoàng quý phi. Bởi vậy, Dụ Lăng là nơi hợp táng nhiều người nhất trong số các lăng tẩm đời nhà Thanh.
Năm 1975, Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc tiến hành khai quật Dụ Lăng. Sau 3 lớp cửa đá, đến lớp thứ 4 mở ra, các nhà khảo cổ ngạc nhiên khi thấy quan tài của Hoàng đế “tự di chuyển” chắn ngang cửa như hiện tượng 60 năm trước. Đây là điều vẫn chưa lý giải nổi bởi quan tài vốn đặt kiên cố trên giường đá, không tự di chuyển được nếu không có lực lớn tác động.