'Vụ nổ' lớn nhất trong lịch sử kiểm toán thế giới: Ông lớn kiểm toán Big 4 bị Trung Quốc 'sờ gáy' vì phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande

22-03-2024 18:15|Phương Nhi

Nếu Trung Quốc mở rộng điều tra, hình ảnh của PwC có khả năng sẽ bị ảnh hưởng trên toàn cầu, dẫn đến nguy cơ sụp đổ cũng như ảnh hưởng lan rộng toàn ngành.

Mới đây, Bloomberg đưa tin chính quyền Trung Quốc đang điều tra trách nhiệm của Tập đoàn kiểm toán nổi tiếng PwC trong vụ Evergrande khai khống 78 tỷ USD doanh thu, tạo nên một trong những vụ bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử.

Lật lại lịch sử, vụ sụp đổ của tập đoàn Enron năm 2001 cũng chỉ khai khống 600 triệu USD lợi nhuận, hay vụ Worldcom năm 1999-2002 cũng chỉ bị cáo buộc lừa đảo tài chính 11 tỷ USD. Thậm chí vụ lừa đảo mô hình đa cấp lớn nhất trong lịch sử của tỷ phú Bernie Madoff cũng chỉ khiến nhà đầu tư thiệt hại 64,8 tỷ USD.

Vụ việc Enron đã khiến Arthur Andersen, một công ty kiểm toán nổi tiếng nằm trong Big 5 thời đó sụp đổ và chỉ còn Big 4. Không chỉ bị các hãng khác xâu xé, Arthur Andersen với 89 năm lịch sử và 85.000 chuyên gia thì đến năm 2007 chỉ còn không đầy 200 người, chủ yếu để hầu tòa trong các vụ kiện của cổ đông trong các công ty khách hàng trước đây.

Do đó, nếu vụ việc Evergrande bị các cơ quan điều tra mở rộng, đây sẽ trở thành một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử ngành kiểm toán. Hình ảnh của PwC sẽ bị ảnh hưởng trên toàn cầu, dẫn đến nguy cơ sụp đổ cũng như ảnh hưởng lan rộng toàn ngành.

'Vụ nổ' lớn nhất trong lịch sử kiểm toán thế giới: Ông lớn kiểm toán Big 4 bị Trung Quốc 'sờ gáy' vì phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande
4 hãng kiểm toán lớn bao gồm PwC (tên gọi cũ là PricewaterhouseCoopers), Deloitte, Ernst and Young (hay gọi tắt là EY) và KPMG

Tuần này, Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cáo buộc công ty con của Evergrande là Hengda Real Estate Group đã ghi nhận khống doanh số bán hàng và phóng đại doanh thu ồ ạt trong khoảng 2 năm cho đến năm 2020, trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến tập đoàn vỡ nợ.

Nguồn tin thân cận cho hay các quan chức Trung Quốc đang điều tra về vai trò của PwC trong vụ việc này. Đồng thời, họ cũng cho biết đang liên hệ với một số cựu kế toán viên của PwC để tiếp tục điều tra về nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn.

"Lỗi cơ bản" của ngành kiểm toán

"Sai sót này là một trong những lỗi cơ bản nhất của ngành kiểm toán. Bởi vậy rủi ro mất danh tiếng của PwC không chỉ ở Trung Quốc mà là trên toàn thế giới", Giáo sư môn thực hành kế toán Richard Murphy của đại học Sheffield-Anh khẳng định.

Vụ việc Evergrande diễn ra trong bối cảnh PwC đang gặp rất nhiều khó khăn khi hãng kiểm toán này đang phải giải quyết hậu quả nhiều vụ bê bối trên toàn cầu của mình, và đã cắt giảm lao động hàng loạt từ Anh cho đến thị trường Canada.

Hoạt động của PwC chi nhánh Úc đã gặp chỉ trích vì tiết lộ kế hoạch thuế của Chính phủ cho khách hàng, qua đó phải sa thải hàng loạt nhân sự. Chi nhánh tại Anh của PwC cũng bị phạt 5,6 triệu Bảng vào năm 2023 vì những sai sót trong công việc liên quan đến sổ sách tại Babcock International.

Nigel Stevenson , nhà phân tích tại công ty nghiên cứu kế toán GMT Research ở Hồng Kông, cho biết: “Nghi vấn về vai trò trách nhiệm của PwC trong vụ gian lận Evergrande là vô cùng lớn, đặc biệt là những gì họ biết về việc khai khống doanh thu” .

Trước đó vào tháng 12/2023, GMT đã đặt câu hỏi về báo cáo tài chính của Evergrande khi cho rằng tập đoàn này chưa bao giờ đạt được mức lợi nhuận như họ thông báo. Tuy nhiên Evergrande trả lời rằng nghi vấn của GMT là "không có cơ sở" khi báo cáo tài chính được một hãng kiểm toán danh giá thuộc Big 4 như PwC thực hiện.

'Vụ nổ' lớn nhất trong lịch sử kiểm toán thế giới: Ông lớn kiểm toán Big 4 bị Trung Quốc 'sờ gáy' vì phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande
Nguồn: Bloomberg

Vụ bê bối kế toán lớn tính theo con số

Theo CSRC, bằng cách thổi phồng doanh thu, Hengda cũng đã phóng đại tổng lợi nhuận thêm 91,9 tỷ nhân dân tệ (12,7 tỷ USD), tương đương hơn 3/4 thu nhập được báo cáo trong khoảng từ năm 2019 đến năm 2020. Con số này cao gấp 20 lần lợi nhuận khai khống trong vụ bê bối Enron năm 2001.

Trước năm 2021, Evergrande đã ghi nhận nhiều doanh thu khống dù dự án chưa hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua. Chiến lược này đã giúp tập đoàn ghi nhận tỷ lệ nợ thấp, qua đó bán trái phiếu trong nước và quốc tế dễ dàng hơn.

Nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới bắt đầu gặp vấn đề về dòng tiền vào năm 2021 và rơi vào tình trạng vỡ nợ, gây nguy hiểm cho hàng triệu căn hộ mà họ đã bán trước cho người mua nhưng chưa hoàn thiện.

Mặc dù CSRC cáo buộc phần lớn trách nhiệm cho nhà sáng lập Hứa Gia Ấn của Evergrande nhưng vụ kiện có thể gây ra rắc rối pháp lý cũng như bê bối cực kỳ lớn cho PwC khi mắc lỗi kiểm toán cơ bản này.

Tập đoàn Evergrande đang tiến hành thủ tục thanh lý phá sản ở Hong Kong và những người thanh lý đang cố gắng thu hồi tiền cho các chủ nợ của công ty. Dù vậy, họ có khả năng vẫn sẽ truy lùng PwC để chịu trách nhiệm bồi thường.

Khoản tiền phạt 4,18 tỷ nhân dân tệ của cơ quan quản lý đối với Hengda cũng đồng nghĩa với việc Evergrande sẽ càng khó có tiền để trả cho các chủ nợ. Tính đến tháng 6/2023, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang phải gánh khoản nợ khoảng 332 tỷ USD.

Hậu quả nghiêm trọng

Trước đó, Chính quyền Trung Quốc trước đây đã xử lý mạnh mẽ các công ty kế toán vì những sai sót trong việc kiểm toán các công ty trong nước. Năm 2023, Bộ tài chính Trung Quốc đã phạt kỷ lục 212 triệu Nhân dân tệ với Deloitte chi nhánh nước này, đồng thời đình chỉ hoạt động văn phòng ở Bắc Kinh trong 3 tháng vì lỗi kiểm toán ở China Huarong trong giai đoạn 2014-2019.

Được biết, hãng Huarong đã nhận được gói cứu trợ 6,6 tỷ USD năm 2021 sau khi lỗ lớn và mất khả năng trả nợ.

Trong vụ Evergrande, kiểm toán viên của PwC làm việc với tập đoàn này cũng như Hengda suốt 10 năm cho đến tháng 1/2023 thì xin từ chức vì "những bất đồng liên quan đến kiểm toán".

Theo dữ liệu chính thức, chi nhánh Trung Quốc của PwC với hơn 1.600 kiểm toán viên được chứng nhận, đã báo cáo doanh thu 7,9 tỷ Nhân dân tệ năm 2022, trở thành hãng kiểm toán lớn nhất trong số hơn 9.000 công ty tại thị trường này. Doanh thu toàn cầu của PwC lên đến 50,3 tỷ USD.

Ngoài Evergrande, hãng PwC cũng kiểm toán cho các tập đoàn bất động sản Trung Quốc như Country Garden, Sunac China trước khi họ vỡ nợ. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm vừa qua, PwC đã rút lui khỏi ít nhất 10 tập đoàn bất động sản Trung Quốc như Sunac, Shimao Group Holdings, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.

'Vụ nổ' lớn nhất trong lịch sử kiểm toán thế giới: Ông lớn kiểm toán Big 4 bị Trung Quốc 'sờ gáy' vì phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande
Nguồn: Bloomberg

Theo các chuyên gia, hầu hết các hãng bất động sản Trung Quốc đều kiếm tiền bằng cách bán các hợp đồng chỉ mới xây dang dở và cam kết sẽ bàn giao sau vài năm. Người mua nhà đặt cọc và thế chấp tài sản để mua chúng. Số tiền này đáng lẽ phải được đưa vào một tài khoản ký quỹ và chỉ được giải ngân khi nhà đã được bàn giao cho khách.

Tuy nhiên, dòng tiền này thường bị "mất tích" bí ẩn ngay trước mắt các kiểm toán viên PwC cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra.

Mãi đến năm 2021-2022, Evergrande mới ghi nhận doanh thu từ những dự án đã bàn giao cho khách hàng, khiến báo cáo tài chính thay đổi một cách đột ngột và làm dấy lên những nghi ngờ lừa đảo.

Tyran Kam, người đứng đầu bộ phận tài sản Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho biết: “Chúng tôi không biết rằng Evergrande đang thực hiện điều gì khác so với phần còn lại của ngành”.

Ông nói thêm: “Dựa trên thông tin chúng tôi có được, việc ghi nhận doanh thu và các chính sách kế toán khác của Evergrande nhìn chung được coi là tương tự như thông lệ kế toán của nhiều công ty cùng ngành được niêm yết”.

PwC cũng đang bị điều tra bởi Hội đồng Báo cáo Tài chính của Hồng Kông vào năm 2021, sau khi không nhận ra khả năng Evergrande không thể tiếp hoạt động. Cơ quan điều tra của Hồng Kông đang tập trung vào báo cáo hàng năm năm 2020 và báo cáo tài chính trung kỳ năm 2021 của Evergrande.

>> Ai đã kiểm toán và phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande, để xảy ra bê bối gian lận lớn nhất lịch sử Trung Quốc?

'Bom nợ' Evergrande sụp đổ: Liệu có phải 'khoảnh khắc Lehman' của Trung Quốc đã đến?

'Bom nợ' Evergrande chính thức sụp đổ, khoản nợ hơn 300 tỷ USD khó có thể thu hồi

Đại gia bất động sản Evergrande sụp đổ: Đầu tư liều lĩnh, nhiều người vỡ mộng giàu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-no-lon-nhat-trong-lich-su-kiem-toan-the-gioi-ong-lon-kiem-toan-big-4-bi-trung-quoc-so-gay-vi-phot-lo-lo-hong-78-ty-usd-cua-bom-no-evergrande-227417.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Vụ nổ' lớn nhất trong lịch sử kiểm toán thế giới: Ông lớn kiểm toán Big 4 bị Trung Quốc 'sờ gáy' vì phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande
POWERED BY ONECMS & INTECH