Tần Thủy Hoàng thấy ông cao lớn, khỏe mạnh, dũng lược như thần nên rất coi trọng, chọn làm võ tướng, phong chức “Tư lệnh hiệu úy”.
Theo truyền thuyết, Lý Ông Trọng là một nhân vật lịch sử được ghi nhận trong một số sách của Việt Nam và Trung Quốc. Ông sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương, nhưng không rõ năm sinh năm mất.
Sách Từ Nguyên Trung Quốc ghi, Ông Trọng đời Tần, là người Nam Hải, thân dài một trượng ba thước, khí chất đoan dũng, khác với người thường. Vua Thủy Hoàng sai cầm quân giữ đất Lâm Thao, thanh thế chấn động Hung Nô. Khi Ông Trọng chết, vua sai đúc tượng đồng để ở cửa Tư Mã, coi giữ cung Hàm Dương".
Cuốn Giai thoại Lịch sử Việt Nam lại có đoạn, dưới thời An Dương Vương, Lý Ông Trọng giúp vua Thục Phán đánh tan quân xâm lược nhà Tần (năm 208 TCN). Sau khi An Dương Vương lên ngôi, ông được vua cử sang sức nước Tần. Tần Thủy Hoàng thấy ông cao lớn, khỏe mạnh, dũng lược như thần nên chọn làm võ tướng, phong chức “Tư lệnh hiệu úy” (chức quan võ cao nhất trong triều).
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào năm 221 TCN, (năm thứ 26 triều Tần Thủy Hoàng), nước Tần thôn tính cả 6 nước vùng Trung Nguyên và xưng Hoàng đế. Bấy giờ có người ở Từ Liêm, Giao Chỉ là Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước (cao gần 2m), lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, bèn sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao (một huyện thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già về làng rồi chết.
Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là Hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm.
Với những thông tin trên, Lý Ông Trọng được nhắc đến là vị võ tướng tài giỏi, khiến Tần Thủy Hoàng nể phục. Theo truyền thuyết, vua Tần sai lập đền thờ Lý Ông Trọng, nay là di tích Đình Chèm. Tuy nhiên, cũng có thông tin đền thờ Lý Ông Trọng gọi là Đình Chèm được xây dựng từ thời Bắc thuộc (từ năm 603 đến năm 938) ở Thị Điềm, Thụy Phương (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Trong Đình có các bia đá ghi chép lại lịch sử và nhân vật và thờ 2 pho tượng đồng lớn: một là của Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng, pho tượng còn lại là của bà vợ, hiệu Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung (con gái của Tần Thủy Hoàng).
Để tưởng nhớ Lý Ông Trọng, hằng năm ba làng Thụy Phương, Hoàng Mạc và Liên Mạc tổ chức lễ hội đền Chèm từ 14 đến 16/5 âm lịch. Di tích Đình Chèm còn nguyên vẹn, kiến trúc rất đẹp và là điểm được nhiều du khách đến tham quan.
(Nguồn: Wikipedia, Tạp chí điện tử Tri thức)