Không quân Canada là lực lượng đầu tiên vận hành dòng máy bay này với 50 chiếc được bàn giao vào năm 1971.
Ngày 19/5, chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian đã rơi sau chuyến thăm biên giới Azerbaijan. Hãng tin Al Jazeera đã đăng tải những hình ảnh và video xác nhận rằng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức đi cùng ông đã ngồi trên trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất trước khi máy bay gặp nạn.
Chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran cất cánh trước khi gặp nạn hôm 19/5. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp nạn là mẫu Bell 212, phiên bản dân dụng của trực thăng quân sự UH-1N. Theo tờ Kompas của Indonesia, mẫu trực thăng này có biệt danh Twin Huey, từng được Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.
Hãng Bell Helicopter, có trụ sở tại Mỹ, hiện đã đổi tên thành Bell Textron, từng phát triển mẫu trực thăng UH-1N này cho quân đội Canada vào cuối thập niên 1960, là phiên bản nâng cấp từ mẫu UH-1 Iroquois ban đầu. Theo tài liệu huấn luyện quân sự của Mỹ, loại trực thăng này sau đó nhanh chóng được cả Mỹ và Canada sử dụng.
Trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cất cánh gần biên giới Iran-Azerbaijan ngày 19/5. Ảnh: Reuters |
Phi cơ này có chiều dài 17,4m, chiều cao 3,8m, sải cánh 14,6m và trọng lượng rỗng là 2,9 tấn. Mỗi chiếc có khả năng chở tối đa 15 người, bao gồm một phi công và 14 hành khách. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tổ bay được nâng lên thành hai phi công và hành khách giảm xuống còn 13 người.
Lực lượng Không quân Canada là đơn vị đầu tiên sử dụng dòng máy bay Bell 212, với 50 chiếc được bàn giao vào năm 1971. Sau đó, quân đội Mỹ đã đặt mua gần 300 máy bay và đặt cho chúng tên gọi UH-1N.
Sau khi ra mắt, Bell 212 nhanh chóng khẳng định vị thế "ngựa thồ" trong ngành công nghiệp trực thăng. Với cấu hình động cơ kép, nó cung cấp sức mạnh và độ tin cậy cao hơn so với phiên bản tiền nhiệm, làm cho Bell 212 trở thành lựa chọn phù hợp cho nhiều loại nhiệm vụ như vận tải, tìm kiếm cứu nạn, cứu hỏa và hoạt động quân sự. Bell 212 có khả năng thích ứng với mọi tình huống, từ vận chuyển người, triển khai thiết bị chữa cháy trên không, vận chuyển hàng hóa đến lắp đặt vũ khí.
Hình ảnh chiếc Bell 212 của Lực lượng Không quân Iran. Ảnh: X/@MILCOTTO |
Mẫu máy bay của Iran rơi vào ngày 19/5 được sử dụng để vận chuyển hành khách, bao gồm các quan chức Chính phủ. Trực thăng Bell 212 cũng được sử dụng bởi Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản, các cơ quan thực thi pháp luật và dịch vụ chữa cháy ở Mỹ, cảnh sát quốc gia Thái Lan và nhiều quốc gia khác.
Số lượng trực thăng Bell 212 được chính phủ Iran sử dụng vẫn chưa rõ, tuy nhiên, không quân và hải quân của họ được biết sở hữu tổng cộng 10 chiếc.
Theo hãng tin Tasnim, có tổng cộng 9 người trên chiếc trực thăng đã rơi, trong số đó có 3 quan chức, một lãnh tụ đạo tôn giáo, các nhân viên an ninh và phi hành đoàn. Theo Sepah, danh sách này bao gồm Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, tỉnh trưởng Đông Azerbaijan Malek Rahmati, lãnh đạo tôn giáo Mohammad Ali Alehashem, 2 phi công, một thành viên phi hành đoàn và 2 nhân viên an ninh.
Dù các trực thăng hiện đại được trang bị các tính năng an toàn tiên tiến và tuân thủ quy trình bảo trì nghiêm ngặt, tai nạn vẫn có thể xảy ra do các yếu tố như sự cố kỹ thuật, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lỗi của con người hoặc sự kết hợp của những yếu tố này. Thông thường, tai nạn trực thăng là sự kiện phức tạp, thường liên quan đến nhiều yếu tố.