Miền Bắc sắp đón thêm nhiều đợt không khí lạnh
Không khí lạnh tiếp tục có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ trong 1 tháng tới. Đồng thời, bão/ATNĐ khả năng xuất hiện trên Biển Đông khoảng 2 cơn, trong đó có cơn đổ bộ đất liền.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 1 tháng tới (11/10-10/11 ), nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, lốc và sét có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn.
Cụ thể, thời kỳ này tổng lượng mưa tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhưng phía Tây Bắc Bộ, Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Mưa giông trên phạm vi cả nước có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ông Hòa lưu ý, cũng trong 1 tháng tới, bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên biển Đông: 1,9 cơn; đổ bộ: 0,8 cơn).
Không khí lạnh trong thời kỳ dự báo tiếp tục có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ.
Trước mắt, theo dự báo của cơ quan khí tượng, khoảng ngày 13 và 19-20/10, không khí lạnh được tăng cường yếu trở lại, kết hợp với hội tụ gió trên cao nên từ ngày 14-16/10, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ khả năng có mưa rào và giông rải rác. Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa rào rải rác và có nơi có giông.
TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 11-12, Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng giảm nhiệt độ nhẹ, thấp hơn khoảng 0,5 độ.
Từ cuối tháng 12, Bắc Bộ có thể đối mặt với các đợt rét đậm kéo dài, tương tự các năm trước. Không khí lạnh sẽ tiếp tục gia tăng tần suất trong tháng 1-2/2025, gây rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền Bắc và xuất hiện băng giá, sương muối và thậm chí mưa tuyết ở vùng núi.
Nhận định tình hình khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước (từ 12-18/10): Khu vực Bắc Bộ Từ 12-18/10: có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều trời nắng gián đoạn; riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ từ khoảng 14-16/10 khả năng có mưa rào và giông rải rác. Khu vực Trung Bộ Bắc Trung Bộ: có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Trung Trung Bộ: có mưa rào rải rác và có nơi có giông; riêng ngày 14-15/10 có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Nam Trung Bộ: có mưa rào và giông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào rải rác và có nơi có giông. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ Từ 12-18/10: Nam Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa to. Mực nước trên các sông khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Mực nước các sông Nam Bộ dao động theo thủy triều. Khu vực Hà Nội Từ 12-18/10: có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều trời nắng gián đoạn. Lưu ý các khu vực trên, trong mưa giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Ngoài ra, từ 12-18/10, khu vực Bắc Biển Đông sóng dao động trong khoảng 2-3m, biển động. Trên khu vực biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận, từ 12-15/10, sóng dao động từ 1,5-2,5m, sau đó giảm dần, phổ biến trong khoảng 1-2m. Các khu vực khác sóng phổ biến nhỏ hơn 2m. Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo, từ 17-22/10, mực nước triều ven biển phía Đông Nam Bộ duy trì ở mức cao. Triều cường xuất hiện trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều tối làm tăng nguy cơ ngập úng tại các khu vực trũng, thấp ở ven biển, ven sông, vùng ngoài đê bao phía Đông Nam Bộ và làm chậm quá trình thoát lũ, trong trường hợp có lũ trên sông Cửu Long. |
>>Dự báo thời tiết 10 ngày tới: Miền Bắc có mưa rào, không khí lạnh tăng cường yếu
Dự báo thời tiết 10 ngày tới: Miền Bắc có mưa rào, không khí lạnh tăng cường yếu
Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Không khí lạnh tăng cường yếu, đêm se lạnh