Môi giới bất động sản và những nghi vấn đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường
Thời gian gần đây, tình trạng giá nhà đất tăng đột biến đã có rất nhiều nghi vấn về việc có sự “nhúng tay” của các DN và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS.
Để hiểu rõ thực hư về vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của hoạt động môi giới đối với thị trường BĐS?
- Môi giới BĐS đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung – cầu trên thị trường BĐS, giúp kết nối giữa chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS (bên cung) và khách hàng/nhà đầu tư (bên cầu) trong giao dịch mua, bán, thuê cho thuê BĐS. Hàng năm, lực lượng này giúp thị trường BĐS kết nối thành công hàng trăm ngàn sản phẩm với giá trị giao dịch ước đạt hàng triệu tỷ đồng.
Không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ giao dịch, lực lượng này còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, phản ánh thông tin giữa hai chiều cung- cầu, nhằm nâng cao chất lượng, sự đa dạng và tính phù hợp của các sản phẩm BĐS. Từ đó, thúc đẩy thị trường phát triển một cách bền vững.
Ngoài ra, môi giới BĐS còn đóng vai trò kết nối các thị trường với nhau, từ thị trường vùng này với vùng khác, liên vùng, thị trường trong nước với quốc tế và ngược lại; thị trường BĐS với thị trường xây dựng, vốn, tài chính…Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung.
Các quy định về hành lang pháp lý cho sự hoạt động của nghề môi giới BĐS hiện nay ra sao?
- Có thể khẳng định, hành lang pháp lý mới ngày càng siết chặt hoạt động môi giới BĐS, làm tăng tính kỷ luật và chuyên nghiệp của nghề. Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định. Điều này góp phần giúp hành lang pháp lý liên quan đến thị trường BĐS trở lên hoàn thiện hơn. Trong đó, có các quy định tương đối chặt chẽ đối với hoạt động môi giới BĐS.
Theo đó, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: có chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề trong một DN kinh doanh dịch vụ BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn hành nghề môi giới BĐS, các cá nhân phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng. Được kiểm chứng bởi chứng chỉ hành nghề thông qua các kỳ thi sát hạch. Như vậy, giống như những ngành nghề khác như bác sỹ, giáo viên, luật sư… môi giới BĐS cũng đòi hỏi trình độ và năng lực đủ để có thể hành nghề một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, để đảm bảo việc kiểm soát hoạt động của các các nhân làm nghề, luật mới cũng quy định, không cho phép cá nhân hành nghề tự do, mà phải gắn với một DN nhất định. Quy định này giúp việc theo dõi, quan lý, kiểm tra và giám sát hoạt động của cá nhân môi giới BĐS được chặt chẽ và sát sao hơn.
Với DN kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, luật cũng quy định rất chặt chẽ, yêu cầu phải có quy chế hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, có ít nhất 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề. Trước khi hoạt động kinh doanh môi giới BĐS, phải gửi thông tin về DN đến cơ quan quản lý về kinh doanh BĐS cấp tỉnh nơi thành lập DN để đăng tải thông tin trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Không chỉ vậy, luật cũng quy định rất rõ về những biện pháp xử phạt đối với nhân, DN hoạt động môi giới không đạt chuẩn, cung cấp thông tin sai lệnh, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng tới khách hàng/nhà đầu tư…
Như vậỵ, có thể nói càng ngày nghề môi giới BĐS càng được quan tâm, chú trọng. Vai trò, mức độ ảnh hưởng của nghề cũng được nhìn nhận, đánh giá đúng hơn. Vì vậy những quy định cũng dần chặt chẽ hơn và được luật hóa để đảm bảo tính công khai, minh bạch của hoạt động môi giới. Từ đó, góp phần phát triển thị trường một cách ổn định, bền vững.
Thời gian gần đây, giá nhà đất trên thị trường không ngừng tăng cao. Nhiều ý kiến cho rằng việc này là do có sự “nhúng tay” của những cá nhân, DN dịch vụ môi giới BĐS. Ông có đánh giá thế nào?
- Thời gian vừa qua, câu chuyện về giá bán BĐS luôn là chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận toàn xã hội. Không chỉ với căn hộ chung cư mà biệt thự, liền kề, đất đấu giá cũng lần lượt được gọi tên. Người dân choáng váng vì mỗi lúc giá bán BĐS lại bị đẩy lên cao; thị trường giống như biển lớn, giá bán như những đợt sóng, sóng sau cao hơn sóng trước và người dân thì không biết đến khi nào tình trạng này mới chấm dứt. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn tới vấn đề an sinh xã hội, nhiều người có nhu cầu ở thực không có cơ hội tiếp cận với nhà ở; nhiều bạn trẻ chưa kịp quyết tâm phấn đấu mua nhà đã vội xếp điều này vào top “ước mơ xa vời”.
Đây là hệ quả của việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung nhà ở có giá bán bình dân trong suốt một thời gian dài. Trong khi nhu cầu đối với phân khúc này cả để ở và đầu tư luôn neo ở mức cao, cung không đáp ứng được cầu, khiến cầu bị nén lại. Theo thời gian, mức độ nén càng cao, khi đạt đến một giới hạn nhất định nó sẽ bật ra và bất chấp nhiều lưu ý để đi tìm cung.
Đây được cho là lý do quan trọng nhất khiến cuộc đua săn nhà, săn đất ngày càng trở lên khốc liệt, cũng chính bởi vậy mà căn hộ chung cư, trước giờ vốn được coi là “tiêu sản” cũng lội ngược dòng tăng giá vùn vụt, không kể mới hay cũ. Chưa kể đến việc các dự án mới ra hàng, dự án nào cũng được định vị ở mức “cao cấp”, khiến cho mặt bằng giá đã cao lại càng cao hơn.
Trong câu chuyện tăng giá đó, không loại trừ những trường hợp đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung- cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm “lướt sóng”, kiếm chênh lệch. Vậy nhưng cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những “tay đầu cơ”, có tài chính. Hành vi của họ là quan sát, lắng nghe, theo dõi từng biến động của thị trường và ngay khi nhận thấy cơ hội, họ “liều lĩnh chốt deal”, để rồi găm hàng, tìm “mồi ngon” và sang tên, hưởng chênh lệch.
Những đối tượng này hoàn toàn khác với môi giới BĐS, bởi môi giới BĐS làm nghề và hưởng thù lao từ hoạt động tư vấn, giới thiệu và chốt khách. Họ không đủ tài chính để “ôm hàng”, chờ tăng giá. Nếu có, thì số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ để điểm mặt, đặt tên, chứ chưa nói đến nguy cơ “tạo sóng” hay “lũng đoạn thị trường”.
Xin cảm ơn ông!