Mỗi năm phải khám sức khỏe cho học sinh ít nhất 1 lần
Các nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, giáo viên ít nhất 1 lần/năm đồng thời các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị là mục tiêu được Sở Y tế và Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra trong kế hoạch liên ngành năm học 2024-2025.
Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp và sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn thương tích, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Về chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra, 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng Y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị theo quy định.
Tất cả trường học đảm bảo các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất trường, lớp, khu tập luyện thể thao, trang thiết bị dạy và học.
Học sinh được khám sức khoẻ ít nhất mỗi năm 1 lần. |
Các nhà trường tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường ít nhất 1 lần/năm đồng thời các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, các trường hợp mắc bệnh được thông báo trực tiếp cho người mắc.
100% trường học và các cơ sở giáo dục thường xuyên theo dõi sức khỏe phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, phòng chống tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật học đường.
Các nhà trường tăng cường hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khoá, ngoại khoá; tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; phòng chống thừa cân béo phì; phòng chống các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh cũng như dạy kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích thường gặp như ngã, đuối nước, cháy nổ, điện giật, giao thông, hóc dị vật đường thở...
Hai bên cũng phối hợp để tuyên truyền về phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm....
Tuyên truyền phòng chống tác hại của rượu bia, thuốc lá/thuốc lá điện tử, phòng chống mối nguy từ các loại ma túy đang trà trộn dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử.
Tổng vệ sinh môi trường đầu năm học và duy trì thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Tiếp tục củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình điểm chăm sóc sức khỏe học sinh. Một số mô hình cần chú trọng như: Mô hình về phòng chống các bệnh mắt học đường, gù vẹo cột sống, tật cận thị, giảm thị lực, các bệnh về mắt; mô hình điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.
Hai bên cũng sẽ phối hợp để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường có tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học.
Phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; nâng cao chất lượng bữa ăn học đường trong trường học đặc biệt là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng; đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học có tổ chức bán trú theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
>> Bác sĩ chỉ cách để biết con bạn có đủ dinh dưỡng hay không?
Công an tìm nhân chứng trong vụ bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng
WHO sơ tán 1.000 phụ nữ và trẻ em ở Gaza cần chăm sóc y tế khẩn cấp