Sau gạo, một loại hạt tiếp theo bước vào cơn sốt giá trên toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có sản lượng đứng đầu thế giới, giá bán trong nước liên tục thiết lập kỷ lục lịch sử.
Nếu đầu năm mới 2024, giá gạo có xu hướng hạ nhiệt sau cơn "bão giá" kéo dài thì giá cà phê vẫn tiếp đà tăng mạnh. Loại hạt này đang sốt giá trên toàn cầu do nguồn cung khan hiếm.
Kết thúc phiên giao dịch 31/1, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London kỳ hạn tháng 3 ở ngưỡng 3.305 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 là 3.168 USD/tấn.
So với thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 tăng 16,3%, kỳ hạn giao tháng 5 tăng 14,9%. Còn so với cùng kỳ năm 2023, cà phê Robusta tăng lần lượt là 62,2% và 57,5%.
>> Nửa tháng thu gần 300 triệu USD, nông dân bán cà phê 'ăn Tết to'
Các nhận định cho thấy, giá cà phê Robusta tăng vọt do dữ liệu báo cáo tồn kho ICE giám sát ngày 22/1 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2014. Điều này khiến nhà đầu cơ và các quỹ tiếp tục đẩy mạnh mua vào.
Cùng với đó, cước vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa thế giới do định tuyến vận chuyển kéo dài (phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi) khiến mặt hàng cà phê trên thế giới càng khan hiếm hơn.
Thời tiết khô hạn khiến sản lượng cà phê từ một số quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới như Brazil, Việt Nam... sụt giảm nên mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn vẫn còn.
Đặc biệt, trong năm 2023, do kinh tế khó khăn tác động, các nhà rang xay thắt chặt chi phí sản xuất và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Do đó, họ tìm đến cà phê Robusta như một giải pháp thay thế.
Những nguyên nhân trên góp phần thúc đẩy loại hạt này sốt giá trên toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia có sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Riêng sản lượng cà phê Robusta, nước ta đứng đầu thế giới.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, trên thị trường thế giới cà phê đang trong cơn "bão giá" vì mất cân bằng cung - cầu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nên hưởng lợi.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023 nước ta xuất khẩu khoảng 1,61 triệu tấn cà phê, thu về 4,18 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử.
>> Giá cà phê cao chưa từng có, doanh nghiệp Việt kín đơn hàng
Tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt 620 triệu USD, tăng đột biến 103% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Hiện giá cà phê tại thị trường nội địa tăng theo từng ngày, liên tục phá đỉnh lịch sử. Cụ thể, tại Đắk Lắk, giá cà phê nhân xô tăng lên mức 79.000 đồng/kg; ở Lâm Đồng có giá 78.200 đồng/kg; Gia Lai là 78.800 đồng/kg; Đắk Nông giá 79.500 đồng/kg.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trung bình đạt 78.900 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2023, giá cà phê tăng đã tăng 85,6%. Đây cũng là mức giá cao nhất lịch sử, giúp người nông dân trúng đậm bởi đang vào vụ thu hoạch loại hạt này.
Trong bài chia sẻ mới đây, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, nhớ lại chuỗi ngày cà phê tăng giá trong suốt một năm qua.
Theo ông, từ mức giá mơ ước 34.000 đồng/kg, đầu năm 2023 hạt cà phê tăng lên 48.000 đồng/kg. Lần đầu tiên sau 15 năm, giá cà phê mới tăng lên mức này. Nông dân và các nhà cung cấp nhỏ bán ra ồ ạt với số lượng lớn, đến khi giá cà phê lên 50.000 đồng/kg thì hết sạch hàng.
Tháng 5/2023, giá cà phê tăng phi mã. Sang đầu tháng 6, cà phê khan hiếm giá tiếp tục tăng mạnh và lập kỷ lục lịch sử 67.000 đồng/kg vào tháng 7/2023.
“Lần đầu tiên trong 25-30 năm qua, rất nhiều cuộc khảo sát về vùng nguyên liệu cà phê được tiến hành. Gần như các kho hàng cà phê trống rỗng, không có lấy một vài bao”, ông Thông nói.
Từ cuối năm ngoái đến nay, giá cà phê vào đà tăng phi mã, vượt qua mốc 70.000 đồng/kg và hiện sắp chạm ngưỡng 80.000 đồng/kg.
Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam với giá rẻ. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam thông tin: “Các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê”. Thực tế cho thấy, năm qua các doanh nghiệp gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, sản lượng cà phê năm 2024 sẽ giảm xuống mức 1,66 triệu tấn. Song, kim ngạch xuất khẩu cà phê kỳ vọng đạt 5 tỷ USD nhờ giá neo ở mức cao.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ 2023-2024 ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm nay nhờ giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Giá cà phê nhân xô Việt Nam trong năm nay có thể ở mức cao nhất thế giới.
>> Giá cà phê phá đỉnh lịch sử, hàng Việt được dự báo lên cao nhất thế giới
Giá tăng hơn 90%, lần đầu tiên cà phê Việt vượt mốc xuất khẩu 5 tỷ USD
Nông dân Việt Nam ‘ém hàng’, giá một loại hạt trên toàn cầu lập đỉnh