Quốc tế

Một năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Gia đình nạn nhân quyết tìm ra sự thật, lực lượng cứu hộ phải điều trị tâm lý

Phương Nhi 24/10/2023 - 14:21

Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi thảm kịch Itaewon cướp đi sinh mạng của 159 người dân tại đây.

Một năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Gia đình nạn nhân quyết tìm ra sự thật, lực lượng cứu hộ phải điều trị tâm lý
Một bàn thờ tập thể dành cho các nạn nhân sau thảm họa. Nguồn: Kyodo

Ngày 29/10/2022, khu phố Itaewon tại thủ đô Seoul, khu ăn chơi tụ tập của đông đảo giới trẻ và nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, đã bắt đầu tổ chức các bữa tiệc để ăn mừng ngày lễ Halloween lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 khiến các hoạt động vui chơi giải trí bị hạn chế.

Vào khoảng 10h00 tối (giờ địa phương), khu ăn chơi nhộn nhịp này đã biến thành hiện trường của một thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng và cướp đi sinh mạng của 159 người và khiến 196 người khác bị thương nặng. Hầu hết các nạn nhân đều còn rất trẻ.

Một thảm kịch chưa từng có đã diễn ra tại khu ăn chơi bậc nhất Seoul và gây chấn động cả thế giới bởi sự thảm khốc. Các đoạn video quay cảnh đám đông thanh niên chen chúc vào con hẻm nhỏ và dốc tại Itaewon. Cảnh tượng những người ngã gục đè lên nhau và tiếng la hét thất thanh liên tục xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội đã gây ám ảnh cho không ít người.

Thời điểm hiện tại, gần một năm trôi qua kể từ khi thảm kịch Itaewon, sự việc này vẫn là một vết sẹo chưa thể chữa lành trong tâm trí của người dân Hàn Quốc.

Gia đình nạn nhân miệt mài đi tìm công lý

Cuộc điều tra của chính phủ Hàn Quốc đã kết luận vào tháng 1 rằng cảnh sát và các cơ quan chính phủ khác đã không kiểm soát được đám đông, mặc dù ước tính có khoảng 130.000 người tham dự bữa tiệc.

23 quan chức chính quyền đã bị truy tố về tội sơ suất nghề nghiệp gây chết người và các cáo buộc khác. Trong số những người bị truy tố và giam giữ có người đứng đầu văn phòng quận Yongsan Park Hee-young và cựu trưởng đồn cảnh sát Yongsan Lee Im-jae, đã hầu tòa trong hơn chín tháng sau khi cả hai đều bị buộc tội sơ suất nghề nghiệp dẫn đến chết người. Họ đều đã được tại ngoại.

Một năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Gia đình nạn nhân quyết tìm ra sự thật, lực lượng cứu hộ phải điều trị tâm lý

Một số nghi phạm, trong đó có cảnh sát trưởng thành phố Seoul Kim Kwang-ho, vẫn đang bị điều tra. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min, người giám sát an toàn công cộng, đã từ chối chịu áp lực từ người thân của các nạn nhân. Họ yêu cầu nhân vật này chịu trách nhiệm về thảm họa và từ chức. Tuy nhiên, sau khi bị quốc hội luận tội trong nhiều tháng, ông Lee đã trở lại làm việc vào tháng 7, sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết có lợi cho ông và bác bỏ lời luận tội.

Một bàn thờ tập thể treo chân dung của các nạn nhân thiệt mạng vẫn hiện diện ở một góc trên bãi cỏ công cộng trước Tòa thị chính Seoul, trong khi các gia đình của các nạn nhân xấu số tiếp tục kêu gọi thông qua điều luật đặc biệt giải quyết vụ tai nạn chết người.

Lee Jung-min, đại diện các gia đình cho biết: “Đã 1 năm trôi qua kể từ ký ức kinh hoàng ấy, nhưng không một sự thật nào được tiết lộ một cách thỏa đáng, trong khi vẫn chưa có ai bị trừng phạt”. Lee Jung-min cho rằng, thảm kịch đó đang nhanh chóng phai mờ khỏi ký ức của người dân, bà đã mất đi cô con gái 28 tuổi của mình trong vụ việc đau lòng ở Itaewon.

Một năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Gia đình nạn nhân quyết tìm ra sự thật, lực lượng cứu hộ phải điều trị tâm lý

Theo Yonhap, Lee và khoảng 100 gia đình tang quyến khác muốn thông qua luật đặc biệt yêu cầu một cuộc điều tra độc lập của luật sư về những gì đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm về vụ việc chết người trước thời điểm cuối năm nay.

Các cuộc điều tra đã chỉ ra rằng, phần lớn trong 87 cuộc gọi khẩn cấp tìm kiếm sự giúp đỡ vào đêm xảy ra thảm kịch đã bị bỏ qua và không có biện pháp ngăn chặn thảm họa nào trước đó được thực hiện trong các Lễ hội Halloween đông người vào cuối tuần, cho thấy thảm kịch là "do con người gây ra". “Luật đặc biệt sẽ không khiến con cái chúng tôi sống lại nhưng ít nhất sẽ giúp giải quyết tận cùng của thảm kịch”.

"Chúng tôi hy vọng đạo luật này sẽ được thông qua trong năm nay để tìm ra sự thật đằng sau thảm kịch và giúp các nạn nhân, đặc biệt là những người không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ đáng kể nào, được bồi thường thỏa đáng", một luật sư ủng hộ các tang quyến cho biết.

Lực lượng cứu hộ chịu đựng chấn thương tâm lý

Theo thông tin của chính phủ Hàn Quốc, sau nhiều tháng trời kể từ thảm kịch, lực lượng cứu hộ được điều động đến hiện trường vụ giẫm đạp Itaewon vẫn phải chịu đựng những chấn thương tâm lý nặng nề sau khi chứng kiến thảm kịch xảy ra vào năm ngoái.

Đại diện Oh Young Hwan của Đảng Dân chủ đối lập cho biết đã có khoảng 1.316 lính cứu hỏa được điều động để ứng phó với thảm kịch giẫm đạp xảy ra một năm về trước. Thời điểm hiện tại, họ vẫn đang tìm kiếm các phương pháp điều trị tâm lý lâu dài.

Chia sẻ với báo chí về tình trạng của các nhân viên cứu hộ, ông Oh nhấn mạnh rằng họ cần nguồn lực và thời gian thích hợp để chữa lành những chấn thương tâm lý và việc này có thể mất một thời gian dài.

Bài học sau thảm họa

Các nhà chức trách tại đây cho biết họ đang thực hiện tăng cường các biện pháp phòng ngừa an ninh nhằm quản lý đám đông trong thời gian Halloween từ ngày 27/10 đến ngày 1/11.

1.260 cảnh sát sẽ được điều động mỗi ngày trong thời gian này tại các khu vực đông người như Hongdae, Itaewon và Gangnam, trong đó 16 con hẻm chật hẹp và đông đúc ở Seoul cũng được giám sát chặt chẽ để tránh đám đông.

Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi liệu Hàn Quốc có học được bài học từ thảm họa hay không, khi các chuyên gia chỉ ra rằng nhận thức về an toàn thấp và hệ thống ứng phó thảm họa còn nhiều thiếu sót của người dân Hàn Quốc.

Mùa hè năm nay đã chứng kiến ​​lượng mưa kỷ lục trên khắp Hàn Quốc, khiến hơn 50 người thiệt mạng và mất tích, phần lớn do bị vùi lấp trong lở đất hoặc ngã xuống các hồ chứa ngập nước. Các biện pháp phòng ngừa không đầy đủ và phản ứng chậm trễ được cho là nguyên nhân gây ra số thương vong cao. Hồi tháng 7 vừa qua, 25 người đã thiệt mạng khi phương tiện của họ mắc kẹt trong đường hầm ngập nước tại thành phố Cheongju do chính quyền không phong tỏa giao thông bất chấp cảnh báo lũ lụt. Không có biển báo hay lực lượng chức năng ngăn dòng phương tiện qua hầm.

Tròn một năm sau thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng, con phố Itaewon có 'cửa đóng then cài' trước lễ hội Halloween?

Làm gì để sống sót nếu rơi vào "thảm kịch Itaewon"?

Tại sao đa số nạn nhân trong thảm họa giẫm đạp tại Hàn Quốc là nữ?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-nam-sau-tham-kich-giam-dap-itaewon-gia-dinh-nan-nhan-quyet-tim-ra-su-that-luc-luong-cuu-ho-phai-dieu-tri-tam-ly-207306.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Một năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Gia đình nạn nhân quyết tìm ra sự thật, lực lượng cứu hộ phải điều trị tâm lý
POWERED BY ONECMS & INTECH