Một quốc gia vừa chi hơn 23 tỷ USD để bảo vệ ngành bán dẫn trước nguy cơ Mỹ áp thuế nhập khẩu
Bộ Thương mại Mỹ đã xác nhận sẽ mở một cuộc điều tra chính thức về tác động của việc nhập khẩu chất bán dẫn, thiết bị sản xuất chip và các sản phẩm liên quan đối với an ninh quốc gia.
Giữa lúc lo ngại về việc Mỹ sắp áp thuế cao với chất bán dẫn gia tăng, ngày 15/4, Chính phủ Hàn Quốc thông báo triển khai gói hỗ trợ quy mô lớn trị giá 33.000 tỷ won (tương đương 23,25 tỷ USD) dành cho ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực then chốt đối với tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu quốc gia.
Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, gói hỗ trợ năm nay cao hơn khoảng 25% so với mức cam kết 26.000 tỷ won năm ngoái, phản ánh rõ nỗ lực của chính phủ trong việc bảo vệ các nhà sản xuất chip trong nước, vốn đang đối mặt với nhiều biến động từ bên ngoài. Trong khuôn khổ gói này, 20.000 tỷ won sẽ được phân bổ cho các khoản vay lãi suất thấp, dành riêng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, kéo dài từ năm 2025 đến 2027 - tăng từ mức 17.000 tỷ hiện tại.
Chính phủ cũng cho biết sẽ trợ cấp xây dựng các tuyến điện ngầm truyền tải điện đến các cụm công nghiệp bán dẫn, đồng thời nâng tỷ lệ tài trợ cho hạ tầng trong các khu công nghiệp công nghệ cao từ 30% lên 50%. Ngoài ra, các chương trình đào tạo nhân lực trình độ cao cũng được chú trọng, bao gồm đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và mở rộng hợp tác nghiên cứu quốc tế để thu hút nhân tài toàn cầu.
![]() |
Chính phủ Hàn Quốc thông báo triển khai gói hỗ trợ quy mô lớn trị giá 33.000 tỷ won (tương đương 23,25 tỷ USD) dành cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa |
>> Mặt hàng 'ngọt ngào' của Mỹ đang tràn vào Việt Nam: Tăng sốc 700%, phá kỷ lục 5 năm!
Gói cứu trợ được công bố trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác ngày càng leo thang. Hôm thứ Hai, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội X rằng ông sẽ "điều tra toàn bộ chuỗi cung ứng thiết bị điện tử" với lý do liên quan đến an ninh quốc gia.
Trước đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ sớm công bố mức thuế mới đối với chất bán dẫn nhập khẩu, sau khi tạm thời miễn trừ chúng khỏi các loại thuế "tương hỗ" cao được ông đề xuất vào tuần trước.
Bộ Thương mại Mỹ cùng ngày đã xác nhận sẽ mở một cuộc điều tra chính thức về tác động của việc nhập khẩu chất bán dẫn, thiết bị sản xuất chip và các sản phẩm liên quan đối với an ninh quốc gia.
Theo truyền thông Hàn Quốc, quyền Tổng thống Han Duck-soo tiết lộ rằng ông Trump "có vẻ như đã chỉ đạo chính quyền Mỹ bắt đầu đàm phán thuế ngay lập tức với Hàn Quốc".
Xuất khẩu bán dẫn – huyết mạch kinh tế Hàn Quốc
Chất bán dẫn từ lâu đã là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu chip đạt 141,9 tỷ USD, chiếm hơn 20% trong tổng số 683,6 tỷ USD giá trị xuất khẩu quốc gia. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn thứ hai, với kim ngạch lên tới 127,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước - đánh dấu năm thứ bảy liên tiếp lập kỷ lục mới.
Hàn Quốc hiện là nơi đặt trụ sở của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong ngành bán dẫn, như Samsung Electronics và SK Hynix.
Thông tin về gói hỗ trợ khủng đã nhanh chóng tác động tích cực tới thị trường. Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Kospi tăng 0,68%, với Samsung tăng 1,07%, SK Hynix tăng 0,17%.
Việc Seoul nhanh chóng công bố gói hỗ trợ quy mô lớn ngay sau khi xuất hiện tín hiệu cứng rắn từ phía Washington cho thấy mức độ nhạy bén và chủ động của Hàn Quốc trong việc ứng phó với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh thế giới đang cạnh tranh gay gắt để kiểm soát công nghệ lõi như chip bán dẫn, những động thái hỗ trợ kịp thời từ chính phủ không chỉ là biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa, mà còn là chiến lược dài hơi nhằm củng cố vị thế Hàn Quốc trên bản đồ công nghệ thế giới.
Đô thị đặc biệt của Việt Nam đang chuẩn bị 9.000 nhân sự trình độ cao cho ngành vi mạch bán dẫn
Từ cậu bé Việt Nam mê toán đến nhà khoa học thay đổi ngành bán dẫn toàn cầu