Doanh nghiệp

Một startup đặc biệt, gọi vốn không thành công nhưng lại được cả 5 Shark đồng hành

Hải Đường 10/09/2024 - 22:18

Sản phẩm của dự án đã đạt giải thưởng tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tại Đức vào năm 2022.

Tại tập phát sóng chương trình Shark Tank mùa 7, startup LAGOM đã mang tới một câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng với những sản phẩm tái chế. LAGOM được sáng lập bởi Lê Trung Thông – một kỹ sư điện tử, tự động hóa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng Trần Văn Hiếu, kỹ sư Đại học Xây dựng.

Nhận thấy vấn đề tái chế tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt trong khâu thu gom và phân loại rác thải, Thông đã quyết định bắt đầu từ việc giáo dục cộng đồng về tái chế. Anh cùng các cộng sự đã xây dựng chiến lược dài hạn với mục tiêu tạo ra hệ sinh thái tái chế bền vững, bắt đầu từ việc thu gom nguyên vật liệu tại nguồn.

Lê Trung Thông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các mô hình tái chế tại các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ và Dubai. Anh nhận thấy các nước này có công nghệ tái chế tiên tiến nhưng không thể triển khai hiệu quả do thiếu các hệ thống thu gom và phân loại rác. Từ đó, anh quyết định xây dựng mô hình tái chế riêng tại Việt Nam, tập trung vào giáo dục cộng đồng và tạo thói quen phân loại rác từ nguồn.

Một startup đặc biệt, gọi vốn không thành công nhưng lại được cả 5 Shark đồng hành
Hai nhà sáng lập giới thiệu về LAGOM

Một trong những sản phẩm nổi bật của LAGOM là móc áo LAGOM ECO HANGER, được tái chế hoàn toàn từ vỏ hộp sữa giấy, đạt giải thưởng tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tại Đức vào năm 2022. Sản phẩm này không chỉ mang tính sáng tạo cao mà còn có giá thành rất cạnh tranh. Với giá bán chỉ gần 0,5 USD mỗi móc, sản phẩm của LAGOM rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự tại thị trường châu Âu, vốn có giá khoảng 2 USD.

Không dừng lại ở đó, LAGOM còn tập trung vào việc phát triển công nghệ sản xuất theo quy mô công nghiệp. Từ năm 2022, startup đã liên tục nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất với công suất lên đến 2.000 tấn mỗi năm. Dự kiến, doanh thu năm đầu tiên có thể đạt 50 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 12,5 tỷ đồng và mức tăng trưởng hàng năm khoảng 30%. Sau 4 năm, LAGOM kỳ vọng sẽ tăng công suất lên đến 10.000 tấn, mở rộng đáng kể quy mô hoạt động của mình.

Tại Shark Tank mùa 7, LAGOM tham gia gọi vốn 43 tỷ đồng để đổi lấy 30% cổ phần. Trong đó, 39 tỷ sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở vật chất cho một nhà máy tái chế lớn. Tuy nhiên, việc kêu gọi một số vốn lớn khi startup còn đang ở giai đoạn đầu, doanh thu chưa đáng kể và lợi nhuận chưa đạt, đã khiến các Shark đặt ra nhiều câu hỏi và băn khoăn.

>> Startup về trái bơ khiến 3 'Cá mập' mong muốn liên minh đầu tư, Shark Bình tung chiêu khiến nữ Founder vội chốt deal

Trong quá trình gọi vốn, Lê Trung Thông thẳng thắn chia sẻ về tình hình tài chính của LAGOM. Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 6,6 tỷ đồng và đã được góp đủ. Do trong suốt 5 năm qua chưa tập trung vào bán hàng, doanh thu của LAGOM chỉ đạt khoảng 3 tỷ đồng, trong khi đó, lỗ lũy kế gần 5 tỷ đồng. Dù vậy, Lê Trung Thông khẳng định việc anh và cộng sự theo đuổi ngành tái chế không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì một sứ mệnh lớn lao hơn – góp phần bảo vệ môi trường và truyền cảm hứng cho thế hệ sau.

Một startup đặc biệt, gọi vốn không thành công nhưng lại được cả 5 Shark đồng hành
Cả 5 'cá mập' đều từ chối đầu tư nhưng sẵn sàng trở thành cố vấn cho LAGOM

Dù không đầu tư, Shark Hưng đã bày tỏ sự ấn tượng với tinh thần khởi nghiệp và câu chuyện cá nhân của Thông, đặc biệt là lời hứa của anh dành cho các con về việc làm những điều có ích cho cộng đồng. Shark Hưng đề nghị sẽ đồng hành cùng LAGOM trong việc xây dựng phương án gọi vốn.

Shark Lê Mỹ Nga cho biết sẽ không đầu tư, nhưng bà đề xuất LAGOM liên hệ với các quỹ NGO – các quỹ phi lợi nhuận chuyên đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Shark Nga cũng gợi ý startup tìm cách chứng nhận sản phẩm thông qua một tổ chức thứ ba để giảm chi phí marketing và gia tăng uy tín cho thương hiệu.

Shark Minh Beta, cũng từ chối đầu tư, nhưng khẳng định rằng ông ngưỡng mộ tinh thần khởi nghiệp của Thông. Shark Minh cho rằng doanh thu hiện tại của LAGOM còn quá thấp so với quy mô vốn kêu gọi và startup cần có thêm thời gian để phát triển trước khi gọi vốn quy mô lớn.

Shark Thái khuyên LAGOM nên thận trọng trong việc đầu tư vào một nhà máy lớn ngay từ đầu vì có thể không hiệu quả về mặt chi phí. Thay vào đó, Shark cho rằng startup nên phân chia công đoạn tái chế tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển, điều này sẽ giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh.

Khâm phục, ngưỡng mộ sứ mệnh startup đang theo đuổi nhưng bởi không đủ kiến thức, kinh nghiệm về ngành tái chế nên Shark Bình cũng từ chối đầu tư

Dù không nhận được khoản đầu tư nào từ các Shark, LAGOM đã có được sự hỗ trợ và cam kết đồng hành từ cả 5 Shark. Các Shark bày tỏ sẵn sàng trở thành cố vấn, giúp LAGOM định hình lại chiến lược phát triển và tìm kiếm cơ hội mới. Lê Trung Thông, với tinh thần lạc quan, chia sẻ rằng sự đồng hành của các Shark là "số vốn lớn nhất" mà anh có được.

>> Box Dance: Mô hình phòng game định giá khủng khiến shark Minh Beta giật mình

Shark Thái xuống tiền thần tốc, startup ống hút rau củ Ecos ký kết thỏa thuận đầu tư thành công

Thương hiệu nước hoa Việt có chất lượng Pháp lợi nhuận 'đứng im' trong 2 năm được Shark Bình 'bắt mạch'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-startup-dac-biet-goi-von-khong-thanh-cong-nhung-lai-duoc-ca-5-shark-dong-hanh-248383.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một startup đặc biệt, gọi vốn không thành công nhưng lại được cả 5 Shark đồng hành
    POWERED BY ONECMS & INTECH