Một thời ở hẻm 'Năm Cam', trai khó lấy được vợ nơi khác, gái không thể gả đi xa
Một thời, sống trong con hẻm là nơi ở của trùm giang hồ Năm Cam, người dân lương thiện gặp nhiều phiền toái, khó khăn. Họ bị hiểu lầm, kỳ thị. Nhưng nay, mọi thứ đã đổi thay.
Những con hẻm đặc biệt ở TPHCM: Hẻm 'bát quái' ở TPHCM: Khách vất vả tìm lối ra, liên tục gặp biển cảnh báo Sống ở hẻm ‘nhà thùng’ TPHCM: Một thời ăn, ngủ chia ca, tang sự ra đầu phố Cảnh lạ ở hẻm ‘nhà thùng’ TPHCM: Trăm năm ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược |
Hẻm "Năm Cam"
Giữa quận 4 (TPHCM), con đường Tôn Đản không rộng lớn, hào nhoáng với những tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên, nơi đây có con hẻm một thời tai tiếng, từng là nơi ở của trùm giang hồ Năm Cam. Đó là hẻm 148 hay còn được nhiều người gọi tên hẻm "Năm Cam".
Như bao con hẻm khác tại TPHCM, hẻm 148 Tôn Đản khởi đầu bằng một đoạn đường thẳng rồi bất chợt ngoặt trái, ngoặt phải, chia nhánh nhỏ, to. Càng vào sâu, hẻm càng nhỏ, chằng chịt những đường nhánh với nhiều khúc ngoặt.
Trong lúc tìm đường thoát khỏi những đoạn hẻm rối như mê cung, PV may mắn gặp người phụ nữ tên Loan (48 tuổi). Chị Loan sinh ra lớn lên trong căn nhà tuềnh toàng đối diện dãy nhà từng là nơi ở của trùm giang hồ Năm Cam.
Chị Loan cho biết, trước đây nơi này là xóm lao động nghèo. Từ năm 1986 – 1993, khu vực này được trùm xã hội đen Năm Cam mở sòng bạc.
Chị kể: “Hồi đó, hẻm này chưa sạch sẽ, được trải bê tông như bây giờ. Ngược lại, nơi đây chỉ là những lối đi nhỏ, chật chội. Mỗi khi mưa, hẻm lại ngập nước, đầy sình lầy. Nắng lên, hẻm lại mù mịt bụi đất, chi chít ổ gà".
Từ khi có sòng bài của Năm Cam, giang hồ khắp nơi tụ về con hẻm 148 kiếm ăn khiến cuộc sống nơi đây cũng ồn ào theo. Người dân trong hẻm dần quen với cảnh 'một ngày giang hồ đánh, chém nhau nhiều lần'.
Không chỉ cờ bạc, bảo kê, nơi đây còn xuất hiện nạn trấn lột, trộm cắp, mại dâm, buôn bán ma túy,…
Chị Loan kể thêm: “Hồi xưa ở hẻm, người ta thường quan niệm nếu hiền thì phải hiền cho tới, mặc sức cho người ta xem thường, chà đạp. Còn nếu dữ thì cũng phải dữ cho hết gan hết mật để người khác không dám đè đầu cưỡi cổ mình.
Thành ra lúc đó, chuyện cự cãi trong hẻm xảy ra như cơm bữa. Mỗi lúc như thế, đám trẻ chúng tôi chỉ biết chạy vào nhà, đóng chặt cửa, không dám ló đầu ra xem.
Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh người thất thế chạy vào nhà dân trốn hoặc lục tìm hung khí để chống trả đối phương. Thậm chí, có người đứng xem bị hiểu lầm là quân của nhóm này, băng kia,… rồi bị đánh, đâm gục”.
Trai khó lấy được vợ nơi khác, gái không thể gả đi xa
Sống trong con hẻm, cuộc sống người dân lương thiện gặp nhiều phiền toái, khó khăn. Họ bị hiểu lầm, kỳ thị.
Sự hiểu lầm ấy nặng nề đến nỗi dân hẻm "Năm Cam" gần như không tìm được mối quan hệ thân thiết bên ngoài nơi mình sinh sống. Ông Tùng (64 tuổi), một người dân cố cựu của hẻm khẳng định, suốt thời gian dài, ông không tìm được việc làm vì là dân của hẻm này.
Ông nói: “Hồi đó, người ta dị ứng với dân hẻm "Năm Cam" lắm. Người ta sợ và cho rằng, dân trong hẻm hoặc toàn là giang hồ, du đãng hoặc nghèo rớt mồng tơi, một chữ bẻ đôi không biết.
Tiếng xấu ấy khiến một thời con trai trong hẻm không lấy được vợ ở quận, huyện khác. Nhà ai có con gái cũng không dám gả đi xa. Bởi chỉ cần nghe sống trong hẻm 148 Tôn Đản là người ta sợ, kỳ thị không muốn kết thân".
Những người như chị Loan không chỉ bị bạn bè, đồng nghiệp nghi ngờ, đề phòng mà còn bị chính người thân xa lánh, kỳ thị.
Dù ở cùng thành phố, người thân của chị Loan cũng không dám đến thăm. Họ giải thích rằng, chỉ cần đến đầu hẻm là có người lạ, mặt mũi bặm trợn chặn lại hỏi thăm, thậm chí bị xin đểu, trấn lột,…
Người dân trong hẻm "Năm Cam" bị hiểu lầm, mang tiếng xấu như thế cho đến khi chính quyền thành phố, quận 4 giải tỏa khu ổ chuột, cải tạo, nâng cấp đường sá.
Đặc biệt, sau khi Năm Cam và đồng bọn bị bắt, an ninh trật tự quận 4 ổn định, cuộc sống người dân trong hẻm 148 thay đổi hoàn toàn.
Hiện nay, mọi ngõ ngách trong con hẻm 148 đều được nâng cấp, trải bê tông sạch sẽ, nhà cửa khang trang mọc lên san sát. Tại những khúc ngoặt, hẻm nhánh đều được trang bị camera an ninh, hệ thống báo cháy.
Đặc biệt, hẻm không còn bóng dáng giang hồ, xã hội đen. Người dân trong hẻm dù đa phần là dân lao động phổ thông, buôn bán lặt vặt như ngày trước nhưng nay sinh sống văn minh, tình cảm.
Ông Tùng cho biết: “Mấy chục năm qua, ngoài nâng cấp, mở rộng đường, triệt phá tệ nạn xã hội, chính quyền còn giới thiệu việc làm cho những thanh niên nghiện ngập, người tái hòa nhập cộng đồng…
Nhiều năm qua, hẻm không còn tình trạng đánh nhau, trộm cắp, gây mất an ninh trật tự như trước nữa. Thay vào đó, bà con trong hẻm sống hòa thuận, đoàn kết với nhau”.
Không còn nỗi sợ Bà Nguyễn Thị Cúc, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ kiêm Ban Thanh tra khu phố 3, phường 10, quận 4, TPHCM cho biết: “Tôi đã sinh sống ở hẻm 148 đường Tôn Đản 40 năm qua. Trước đây, khi nhắc đến hẻm 148 ai cũng sợ vì nơi đây nổi tiếng quy tụ nhiều giang hồ cộm cán, trong đó có Năm Cam. Sau này chính quyền các cấp chuyển hóa, xóa bỏ từ từ. Đến nay, hẻm đã không còn giang hồ, xã hội đen. Nỗi sợ về chuyện giang hồ, du đãng đánh chém, thanh toán lẫn nhau ở hẻm đã không còn. Đối với những tệ nạn xã hội khác, lực lượng chức năng cũng đang truy quét quyết liệt. Nhìn chung, hiện nay cuộc sống người dân trong hẻm trở lại bình thường, bình yên như bao hẻm khác tại thành phố”. |
>> Hẻm 'bát quái' ở TPHCM: Khách vất vả tìm lối ra, liên tục gặp biển cảnh báo
'Bà trùm' khét tiếng giới giang hồ Oanh 'Hà' cầm đầu đường dây ma túy nghìn tỷ
Hẻm 'bát quái' ở TPHCM: Khách vất vả tìm lối ra, liên tục gặp biển cảnh báo