Mỹ dọa đánh thuế mới với Nhật Bản, tuyên bố hoàn tất các thỏa thuận thương mại với hàng loạt quốc gia sau ngày 4/7
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra lời đe dọa sẽ áp thuế mới đối với Nhật Bản. Đồng thời, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông cho biết Nhà Trắng dự kiến sẽ hoàn tất các thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác sau kỳ nghỉ lễ 4/7.
Mới đây, ông Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế mới với Nhật Bản, khi chỉ còn một tuần nữa là đến hạn chót ngày 9/7 – thời điểm Mỹ có thể khôi phục mức thuế cao với nhiều nước, trong đó có Nhật. Ông Trump cho rằng Nhật Bản không chịu nhập khẩu gạo từ Mỹ.
"Họ không chịu mua GẠO của chúng ta, trong khi lại đang thiếu hụt gạo nghiêm trọng", ông Trump đăng trên mạng xã hội. "Nói cách khác, chúng ta sẽ chỉ gửi cho họ một bức thư, và chúng ta vẫn trân trọng mối quan hệ với Nhật Bản như một Đối tác Thương mại trong nhiều năm tới".
Trong những tuần gần đây, ông Trump liên tục dùng chiến thuật gây sức ép đối với các đối tác đàm phán, đe dọa chấm dứt đàm phán với những nước bị coi là "khó hợp tác" và thay vào đó gửi thư thông báo mức thuế mới.
Trước đó vào tháng Tư, Tổng thống đã tạm ngưng áp thuế riêng biệt với từng quốc gia để mở đường cho đàm phán. Tuy nhiên, bất chấp nhiều cam kết rằng các thỏa thuận sẽ sớm được hoàn tất, cho đến nay Mỹ mới chỉ đạt được hai khuôn khổ chung với Trung Quốc và Vương quốc Anh.
Trong khi đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Kevin Hassett hôm thứ Hai cho biết, các thỏa thuận với một số Chính phủ dự kiến sẽ được công bố sau ngày 4/7. Hassett cho hay chính quyền đang ưu tiên thúc đẩy dự luật cải cách thuế và chi tiêu lớn của Tổng thống Trump thông qua Quốc hội trước kỳ nghỉ lễ.
"Chắc là mọi người sẽ nghỉ ngơi một hai tiếng để xem pháo hoa vào ngày Quốc khánh, rồi sau đó chúng ta sẽ quay lại công bố các khuôn khổ đã được đàm phán. Chúng tôi dự định sẽ họp với Tổng thống để trình bày các khuôn khổ thỏa thuận và xem ông ấy có phê duyệt hay không", ông Hassett nói trên chương trình của Fox Business.
Theo Hassett, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục bất chấp lời đe dọa mới nhất của ông Trump. "Mọi chuyện chưa kết thúc đâu. Tôi biết ông ấy vừa đăng gì, nhưng đàm phán vẫn sẽ tiếp tục cho đến phút chót", Hassett nói với báo giới.
Chứng khoán Tokyo đã giảm ngay sau khi thị trường mở cửa sáng thứ Ba (ngày 1/7), chỉ số Topix có lúc giảm tới 0,7% khi nhà đầu tư phân tích những phát ngôn mới nhất từ ông Trump.
Tình trạng thiếu hụt gạo mà ông Trump đề cập vốn đã khiến người tiêu dùng Nhật gặp khó, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đang leo thang. Giá gạo ở Nhật đã tăng gấp đôi trong năm qua, buộc Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba phải giải phóng kho dự trữ khẩn cấp ra thị trường và tạm ngưng phân phối theo các kênh truyền thống.
Dù động thái này có thể làm dịu sự phẫn nộ của cử tri, nhưng lại gây bất bình trong ngành nông nghiệp – một trong những nhóm cử tri trung thành của Đảng cầm quyền.

Việc mở rộng nhập khẩu gạo Mỹ có thể giúp cân bằng cung cầu, song lại có nguy cơ làm dấy lên sự bất mãn trong ngành nông nghiệp trong nước, đặc biệt nếu họ cảm thấy lợi ích của mình bị hy sinh để đổi lấy việc giảm thuế cho ngành công nghiệp ô tô.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền ông Trump cáo buộc Nhật Bản bảo hộ ngành gạo một cách không công bằng. Hồi tháng Ba, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố Nhật áp mức thuế lên đến 700% với gạo nhập khẩu – điều mà Chính phủ Nhật đã bác bỏ là không chính xác.
Thời hạn sắp đến gần
Lời đe dọa ngừng đàm phán của ông Trump từng khiến một số đối tác nhượng bộ, dẫn đến việc đàm phán được nối lại. Hôm thứ Sáu, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt toàn bộ đàm phán thương mại với Canada để phản đối thuế dịch vụ kỹ thuật số. Nhưng sau khi Ottawa rút lại loại thuế này, Hassett đã cho biết "có rất nhiều tiến triển" trong các cuộc thảo luận với Canada.
Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, thuộc nhóm những nền kinh tế mà các quan chức chính quyền ông Trump cho biết đang được ưu tiên ký kết thỏa thuận – thay vì bị áp mức thuế trừng phạt.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tuần trước cho biết chính quyền sẽ hoàn tất một loạt thỏa thuận thương mại với khoảng 10 đối tác hàng đầu, trong khi các nước khác sẽ nhận thư thông báo mức thuế mới.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Nhật vẫn chưa giải quyết được các vấn đề phức tạp về mức thuế và rào cản thương mại trong các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng.
Nhật đã nhiều lần kêu gọi được miễn áp thuế 25% đối với ô tô – lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế nước này. Nhưng ông Trump từ chối, viện dẫn việc Nhật không nhập khẩu nhiều xe hơi sản xuất tại Mỹ. Nhật cũng đang đối mặt với một mức thuế khác là 24% đối với tất cả hàng xuất khẩu sang Mỹ, tạm thời giảm còn 10% trong thời gian đàm phán.
Trước đó hôm thứ Hai, bà Leavitt cho biết Mỹ đang tiến gần đến các thỏa thuận với Ấn Độ và một số quốc gia khác trước thời hạn áp thuế cao trở lại, vốn đã được tạm hoãn 90 ngày từ tháng Tư để đàm phán.
"Nếu các quốc gia không chịu ngồi vào bàn đàm phán một cách thiện chí, ông ấy sẽ ấn định mức thuế cho họ. Tuần này ông ấy sẽ họp với nhóm cố vấn thương mại để làm việc đó", bà Leavitt nói.
Những tuần gần đây chứng kiến hàng loạt cuộc họp và gọi điện giữa Chính phủ các nước, các ngành công nghiệp và chính quyền Mỹ, trong nỗ lực vận động để được miễn trừ khỏi thuế nhập khẩu của ông Trump.
Khi được hỏi liệu có nên miễn thuế đối với các mặt hàng không thể trồng tại Mỹ như ca cao và cà phê hay không, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Brooke Rollins trả lời: "Hiện tại mọi thứ đều đang được xem xét".
Không đàm phán nữa: Ông Trump có tuyên bố gây sốc cho hàng loạt đối tác thương mại
Ông Trump tuyên bố chấm dứt đàm phán thương mại với Canada, chuyện gì đây?