Mỹ chuẩn bị siết chặt lệnh trừng phạt bán dẫn, 200 nhà sản xuất Trung Quốc rơi vào danh sách đen
Việc Mỹ nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất thiết bị chip của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các công ty châu Âu như ASML.
Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Trung Quốc, khiến cổ phiếu của các nhà cung cấp thiết bị bán dẫn tại châu Âu và Nhật Bản tăng mạnh.
Báo cáo cho biết, các lệnh trừng phạt mới vẫn tập trung vào các nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh hơn vào việc nhắm đến các công ty nội địa cung cấp thiết bị sản xuất cho các nhà sản xuất chip. Đề xuất mới có thể bổ sung thêm 100 công ty sản xuất thiết bị chip của Trung Quốc vào danh sách thực thể bị hạn chế.
Thông tin này đã khiến giá cổ phiếu của ASML — công ty Hà Lan cung cấp thiết bị chuyên dụng quan trọng cho các nhà sản xuất chip, bao gồm cả SMIC của Trung Quốc — tăng hơn 4,27% vào hôm 28/11. Tương tự, cổ phiếu của Tokyo Electron, một công ty Nhật Bản chuyên bán thiết bị sản xuất chip, cũng tăng hơn 6% trong ngày.
Các lệnh trừng phạt, dự kiến sẽ được công bố sớm nhất vào tuần tới, có thể bổ sung thêm các nhà sản xuất chip vào danh sách trừng phạt, bao gồm cả các nhà cung cấp lớn của Huawei — nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, các biện pháp mới này sẽ ảnh hưởng đến ít nhà cung cấp của Huawei hơn so với các đề xuất trước đó.
Ngoài ra, Mỹ có thể thêm 200 công ty bán dẫn của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, theo Wired. Các biện pháp kiểm soát mới cũng có thể bao gồm việc hạn chế giao dịch liên quan đến chip nhớ, một thành phần quan trọng trong việc phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hôm 28/11. Chỉ số Hang Seng giảm hơn 1%, trong khi chỉ số CSI và Shanghai Composite lần lượt giảm 0,57% và 0,10%.
Jim Reid, Giám đốc kinh tế và nghiên cứu chuyên đề toàn cầu của Deutsche Bank, nhận định trong một báo cáo rằng: “Sự suy giảm này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang cân nhắc áp đặt thêm các hạn chế đối với việc bán các chất bán dẫn quan trọng cho Trung Quốc, có thể sớm nhất là vào tuần tới”.
Trong những năm gần đây, chính quyền Biden đã nỗ lực hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc bằng cách đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận của nước này đối với các chip AI tiên tiến và thiết bị sản xuất chip.
Các nhà sản xuất thiết bị chip của Mỹ cùng các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan được cho là đã phản đối các đề xuất trước đó. Theo quy định mới, các công ty, kể cả các công ty nước ngoài, sử dụng linh kiện hoặc phần mềm của Mỹ trong việc thiết kế và sản xuất chip AI sẽ phải xin giấy phép để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu tại một cuộc họp báo trong tuần này: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và thực hiện các nỗ lực ác ý nhằm chặn đứng và đàn áp Trung Quốc”.
Theo Business Insider
>> Quốc gia châu Á 'tất tay' hỗ trợ 10 tỷ USD cho ngành chip