Truyền thông quốc tế ca ngợi ưu thế của Việt Nam, nhấn mạnh đây là yếu tố thu hút hàng loạt ‘gã khổng lồ’ ngành bán dẫn
Mới đây, kênh truyền hình CNA của Singapore đã có bài viết nhận định về việc Việt Nam thu hút các ông lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhân tài tiềm năng
Cụ thể, các hãng thiết kế, sản xuất chip bán dẫn hàng đầu như Intel và Amkor đều có nhà máy tại Việt Nam. Một trong những lý do là bởi Việt Nam có dân số trẻ và nguồn nhân tài tiềm năng.
Chưa hết, Chính phủ Việt Nam cũng nắm bắt lợi thế này để đưa ra các cải cách và tạo điều kiện để thu hút các gã khổng lồ trong ngành, CNA viết. Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu đào tạo tối thiểu 10.000 kỹ sư công nghệ mỗi năm.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi có nguồn nhân lực dồi dào và rất sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng này. Chúng tôi có cơ hội vô cùng hiếm có khi chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn đang trải qua những thay đổi lớn. Tôi cho rằng đây là cơ hội sẽ không bao giờ lặp lại nữa”.
Theo CNA, tập đoàn điện tử Hàn Quốc Samsung là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ nguồn nhân tài đông đảo tại Việt Nam.
Samsung đã chọn 10 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ miền Bắc để tham gia vào chương trình đào tạo bán dẫn. Theo đó, họ sẽ tham gia quá trình đào tạo sau Đại học với các nội dung về chuỗi cung ứng, từ thiết kế vi mạch đến sản xuất chất bán dẫn…
Các sinh viên này sẽ tốt nghiệp sau một năm và làm việc tại các nhà máy bán dẫn của Samsung tại Hàn Quốc. Nguyễn Thị Mỹ Duyên, một trong những sinh viên chia sẻ với CNA rằng: “Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt…đối với cá nhân tôi và cả đối với Việt Nam nữa”.
Ông Kay Chai Ang, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI cho biết “Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một cường quốc về chất bán dẫn ở Đông Nam Á và đang ở vị thế tốt để đóng góp vào mọi giai đoạn của chuỗi giá trị”.
Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 18,23 tỷ USD trong năm 2024. Ông Ang đánh giá: “Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ việc đầu tư chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vào năm 2050 từ thiết kế vi mạch, thử nghiệm lắp ráp và đóng gói”.
Mối quan hệ thân thiết với hai siêu cường
Theo CNA, mối quan hệ thân thiện của Việt Nam với cả Trung Quốc và Mỹ cũng khiến Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư tương đối an toàn.
Thêm nữa, dù các nhà phân tích vẫn chưa chắc chắn về tác động của việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đối với thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng họ lạc quan về tiềm năng của Việt Nam.
Sự hiện diện
Một số công ty bán dẫn toàn cầu đã đặt nhà máy tại Việt Nam để thiết kế chip cũng như lắp ráp, thử nghiệm chip. Năm ngoái, Amkor (Mỹ) đã mở nhà máy sản xuất chip trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh và đánh giá đây là cơ sở tiên tiến nhất thế giới.
Besi, công ty đa quốc gia của Hà Lan chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị bán dẫn, gần đây cũng đã mở nhà máy tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Steven Lim KT, Phó Chủ tịch Dự án chiến lược Việt Nam của BESI nói: “Một phần lý do chúng tôi có mặt ở đây là vì chúng tôi đã tìm hiểu về khách hàng của mình”.
"Khoảng 50 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới đã đầu tư vào Việt Nam. Nvidia cũng đang đến Việt Nam. Những tên tuổi hàng đầu như vậy sẽ có mặt tại Việt Nam", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo CNA
>> Nóng: Một cổ phiếu tăng sốc 170% vừa ‘khai trừ’ Intel khỏi Dow Jones sau 25 năm
Kết quả bầu cử Mỹ đe dọa ngành bán dẫn Nhật Bản, Hàn Quốc
Chuyên gia: TSMC lập kỳ tích với siêu chip 2nm, ngành bán dẫn Trung Quốc bị bỏ xa hàng thập kỷ