Quốc gia châu Á 'tất tay' hỗ trợ 10 tỷ USD cho ngành chip
Giữa làn sóng công nghệ toàn cầu, Hàn Quốc quyết tâm bảo vệ vị thế ngành bán dẫn bằng gói hỗ trợ 10 tỷ USD trước đối thủ cạnh tranh toàn cầu và đòn thuế quan của ông Trump.
Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 14,3 nghìn tỷ won (tương đương 10,2 tỷ USD) nhằm tăng cường sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp chip bán dẫn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết gói hỗ trợ sẽ bao gồm các khoản vay, bảo hiểm và bảo lãnh từ các tổ chức Nhà nước. Trọng tâm của gói hỗ trợ là hỗ trợ các doanh nghiệp chip đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và những thách thức tiềm tàng từ chính sách thương mại của chính quyền Trump sắp tới.
Trong đó, Chính phủ dự kiến chi trả một phần đáng kể cho việc chôn cáp điện ngầm tại các khu sản xuất chip ở phía Nam Seoul, với khoản kinh phí khoảng 1,8 nghìn tỷ won. Ngoài ra, Hàn Quốc còn lên kế hoạch nâng tỷ lệ tín dụng thuế cho các công ty chất bán dẫn thêm 10 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, đây là gói hỗ trợ tiếp theo sau khoản 26 nghìn tỷ won được triển khai hồi tháng 7/2024. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng nhắm đến việc xây dựng "trung tâm điện toán trí tuệ nhân tạo" trị giá 4 nghìn tỷ won vào năm 2030, cho thấy quyết tâm đầu tư mạnh mẽ vào khu vực công nghệ cao đang ngày càng bị cạnh tranh bởi các đối thủ quốc tế.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Hàn Quốc, ngân sách hỗ trợ của Hàn Quốc cho ngành chip sẽ được phân bổ như sau: 6,8 tỷ won (khoảng 124 tỷ đồng) từ KDB - Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc); 0,4 tỷ won từ IBK - Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc; 3,9 tỷ won từ Tổng Công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (K-Sure); 2 tỷ won từ Eximbank - Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và 1,2 tỷ won từ các định chế tài chính khác.
Bộ Tài chính Hàn Quốc được cảnh báo về khả năng bất ổn kinh tế sau khi chính quyền Mỹ chuyển giao, mặc dù quan hệ song phương trong lĩnh vực quốc phòng và công nghiệp giữa 2 nước vẫn được duy trì.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Samsung Electronics - tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc - đang xây dựng nhà máy bán dẫn tại bang Texas theo Đạo luật Chips của chính quyền Tổng thống Biden, trong khi những người ủng hộ ông Trump từng nhiều lần chỉ trích chương trình tài trợ này.
Áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng buộc Seoul phải có chiến lược bảo vệ ngành công nghệ trọng điểm. Xuất khẩu công nghệ hiện chiếm khoảng một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc sẽ ở mức ít nhất 2% trong năm nay, chủ yếu nhờ nhu cầu mạnh mẽ về các sản phẩm bán dẫn, đặc biệt là chip phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại, khiến các nhà hoạch định chính sách thêm lo ngại về những thách thức sắp tới.
Theo BNN
>> Ông Trump giành chiến thắng khiến siêu cường châu Á vội vàng hạ lãi suất, tại sao?