Mỹ giảm viện trợ, Trung Quốc thành chủ nợ toàn cầu
Các quốc gia nghèo nhất thế giới đang đối mặt với một “làn sóng nợ” chưa từng có khi nghĩa vụ trả nợ cho Trung Quốc dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2025. Cảnh báo này được đưa ra bởi Viện Lowy của Úc trong một báo cáo công bố ngày 27/5, dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.
Trong suốt thập niên 2010, Trung Quốc đã đẩy mạnh cho vay ra nước ngoài thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, tài trợ hàng loạt dự án hạ tầng từ cảng biển, đường sắt cho đến đường cao tốc – trải rộng từ châu Phi đến Nam Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dòng vốn vay mới đang chững lại đáng kể. Theo báo cáo, dòng tiền mà các nước đang phát triển phải trả ngược lại Trung Quốc hiện đã vượt quá lượng vốn mà Bắc Kinh cung cấp thêm.

“Các nước đang phát triển đang phải xoay xở với một làn sóng khổng lồ từ nghĩa vụ trả nợ và lãi vay cho Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Riley Duke thuộc Viện Lowy nhận định. “Từ nay đến cuối thập kỷ, Trung Quốc sẽ giữ vai trò ‘chủ nợ’ nhiều hơn là ‘ngân hàng’ đối với thế giới đang phát triển”.
Cụ thể, Viện Lowy ước tính 75 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ phải trả cho Trung Quốc khoảng 22 tỷ USD trong năm 2025 – con số được đánh giá là cao chưa từng thấy. Đây là dấu mốc cho thấy Trung Quốc đã chuyển từ “bên cho vay ròng” sang “bên thu nợ ròng”, tức là đang thu về nhiều hơn số tiền cho vay mới.
Áp lực từ các khoản trả nợ này đang buộc nhiều quốc gia phải cắt giảm chi tiêu cho những lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục và ứng phó biến đổi khí hậu.
Không chỉ riêng Trung Quốc, các khoản vay từ các chủ nợ tư nhân quốc tế cũng đang trở thành gánh nặng lớn, khiến nhiều nền kinh tế đang phát triển rơi vào tình trạng thắt lưng buộc bụng.
Báo cáo cũng đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tận dụng các khoản nợ này như một công cụ gây ảnh hưởng chính trị – đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đã cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài. Việc gia tăng vai trò “chủ nợ toàn cầu” có thể giúp Trung Quốc thiết lập các mối quan hệ chiến lược mới, nhất là với những nước đang cần vốn để phát triển hạ tầng hoặc phục hồi kinh tế.
Dù tổng lượng cho vay của Trung Quốc đang giảm ở hầu hết các khu vực, báo cáo ghi nhận hai ngoại lệ đáng chú ý. Thứ nhất là tại Honduras và Quần đảo Solomon, hai quốc gia đã nhận được các khoản vay lớn từ Trung Quốc. Thứ hai là tại các nước như Indonesia và Brazil, nơi Trung Quốc tiếp tục ký kết các thỏa thuận tín dụng mới nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản chiến lược – đặc biệt là kim loại dùng trong sản xuất pin và vật liệu cho năng lượng tái tạo.
>> Không chờ đợi Mỹ: 2 siêu cường rốt ráo đàm phán thương mại, gặp nhau 3 lần trong 3 tháng