iPhone 2.000 USD: Sự thật phía sau tối hậu thư của ông Trump và lý do Apple không thể rút khỏi Trung Quốc
iPhone - sản phẩm mang tính biểu tượng của “gã khổng lồ công nghệ Mỹ” Apple phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc vì nhiều lý do, bao gồm cả... bàn tay nhỏ.
Apple nhận tối hậu thư từ ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã có động thái chỉ trích Apple khi yêu cầu công ty công nghệ lừng danh thế giới này phải bắt đầu sản xuất chiếc điện thoại thông minh iPhone tại Hoa Kỳ hoặc phải chịu mức thuế ít nhất 25% đối với các iPhone sản xuất ở nước ngoài.

Tối hậu thư này là động thái mới nhất trong nỗ lực kéo dài suốt một thập kỷ qua nhằm buộc “gã khổng lồ công nghệ” này chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ. Khi tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump từng hứa với cử tri rằng mình sẽ “khiến Apple bắt đầu sản xuất máy tính và những thứ chết tiệt của họ ở trong nước thay vì ở các quốc gia khác”.
Nhưng thay vì đưa hoạt động sản xuất về Mỹ, Apple lại chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác ở châu Á như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan. Hầu như không có gì được sản xuất tại Mỹ và ước tính khoảng 80% iPhone vẫn được sản xuất tại Trung Quốc.
Vậy Apple có thể sản xuất iPhone tại Mỹ không?
Câu trả lời là Có. Apple có thể sản xuất iPhone tại Mỹ. Nhưng theo Wayne Lam, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường TechInsights, điều đó sẽ rất tốn kém, phức tạp và buộc Apple phải tăng giá iPhone lên hơn gấp đôi, khoảng 2.000 USD (hơn 51,9 triệu đồng) hoặc hơn nữa.
Hãng “Táo khuyết” sẽ phải mua các máy móc mới và dựa vào tự động hóa nhiều hơn vì dân số Mỹ (hơn 347 triệu người) ít hơn rất nhiều so với Trung Quốc (hơn 1,416 tỷ người, là nước đông dân nhất thế giới).
“Thật vô lý. Trong ngắn hạn, điều đó không khả thi về mặt kinh tế”, ông Lam nói.

>> Chỉ một tuyên bố từ Tổng thống Donald Trump, giá vàng đã bật tăng mạnh
Theo Matthew Moore, cựu quản lý thiết kế sản xuất tại Apple trong suốt 9 năm, việc chuyển chuỗi cung ứng có thể mang lại một số lợi ích như giảm chi phí môi trường khi vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài. Nhưng những lợi ích đó là không đáng kể so với những thách thức mà công ty này phải đối mặt.
Tại sao Apple vẫn chưa sản xuất iPhone ở Mỹ?
Các chuyên gia chuỗi cung ứng cho rằng nếu Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPhone sang Mỹ vào năm 2025 sẽ là một sai lầm. iPhone đã gần 20 năm tuổi và các lãnh đạo cấp cao của Apple từng nói rằng trong vòng 10 năm tới, mọi người có thể sẽ không còn cần đến iPhone nữa vì nó sẽ bị thay thế bởi các thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, Apple sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền mà có thể không thu hồi được.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có iPhone 29”, chuyên gia kinh tế Wayne Lam nói và cho biết thêm rằng Apple đang tìm cách thay thế iPhone bằng các sản phẩm thực tế tăng cường (AR) như Vision Pro.
Apple cũng từng gặp rắc rối khi bắt đầu lắp ráp máy tính Mac tại Mỹ năm 2013. Công ty đã phải tạm ngừng sản xuất khi công nhân rời dây chuyền vào cuối ca làm việc mà chưa có người thay thế. Họ cũng gặp khó khăn khi tìm nhà cung cấp có thể sản xuất đủ số lượng ốc vít tùy chỉnh nhỏ bé.
Năm 2019, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Apple Tim Cook đã dẫn ông Donald Trump đi tham quan nhà máy tại tiểu bang Texas, Mỹ. Tuy nhiên, nhãn mới nhất trên chiếc Mac Pro trị giá 7.000 USD (gần 182 triệu đồng) được lắp ráp tại đó lại ghi rõ sản phẩm có nguồn gốc từ Thái Lan.
Trung Quốc có những gì mà Mỹ không có?
Những bàn tay nhỏ, lực lượng lao động theo mùa khổng lồ và hàng triệu kỹ sư là những tài sản mà Trung Quốc đang sở hữu khiến nước Mỹ thua xa.
Theo các chuyên gia, những phụ nữ trẻ Trung Quốc có bàn tay nhỏ và khéo léo, rất phù hợp để lắp ráp các linh kiện nhỏ và siêu nhỏ của iPhone. Trong một phân tích gần đây nhằm xem xét khả năng dịch chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ, Apple kết luận rằng không thể tìm được những người có kỹ năng tương tự tại Mỹ, theo hai nguồn tin giấu tên.

Trung Quốc có hàng triệu người lao động di cư làm việc theo mùa trong các nhà máy, đặc biệt là vào mùa cao điểm sản xuất iPhone. Họ thường làm việc từ mùa hè cho đến Tết Nguyên đán, khi sản xuất chậm lại, nên Apple không phải trả lương cả năm. Họ sống trong ký túc xá gần nhà máy, nơi dây chuyền sản xuất dài hơn sân bóng đá và nằm sát các nhà cung cấp linh kiện.
Ngoài ra, Trung Quốc có một đội ngũ kỹ sư hùng hậu. Năm 2017, CEO Apple Tim Cook từng nói rằng Trung Quốc có đủ kỹ sư chế tạo khuôn mẫu để lấp đầy nhiều sân bóng, trong khi Mỹ chỉ có thể lấp đầy một căn phòng nhỏ.
“Đây là các nhà máy tiên tiến với hàng ngàn kỹ sư. Bạn không thể chỉ đơn giản “bê nguyên” nó sang nơi khác”, ông Matthew Moore nói.
Vậy tại sao Apple lại chuyển sản xuất sang Ấn Độ?
Apple bắt đầu đẩy mạnh sản xuất iPhone tại Ấn Độ để tránh các loại thuế nội địa áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lúc đó, Ấn Độ đang nổi lên như thị trường điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Apple muốn tăng doanh số tại đây, nhưng không thể cạnh tranh về giá nếu không sản xuất tại chỗ.
Ở nhiều khía cạnh, Ấn Độ hiện tại giống như Trung Quốc 20 năm trước: có lượng kỹ sư dồi dào và Chính phủ cung cấp trợ cấp cho các nhà máy, giúp Apple tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.
Với việc sản lượng tại Ấn Độ ngày càng tăng, vậy Apple có thực sự giảm phụ thuộc vào Trung Quốc?
Không hẳn. Apple vẫn lắp ráp hầu hết các linh kiện phức tạp của iPhone tại Trung Quốc, bao gồm màn hình và các mô-đun nhận diện khuôn mặt (Face ID). Những linh kiện đã được “tiền lắp ráp” này sau đó được chuyển sang Ấn Độ và lắp vào như trò chơi xếp hình Lego. Sản phẩm cuối cùng có thể được dán nhãn “lắp ráp tại Ấn Độ” - dù phần lớn công việc vẫn được thực hiện ở Trung Quốc.
Nhờ đó, Apple có thể tránh thuế quan của Mỹ, nhưng sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn còn nguyên.
The New York Times/Bangkok Post
>> Sức ép thuế quan Mỹ: Apple, Foxconn bám trụ tại Việt Nam - Samsung, LG và Intel tính đường rút
Ông Trump bất ngờ đổi giọng, dọa áp trừng phạt mới lên Nga giữa bạo loạn ở Ukraine
OpenAI chi 6,5 tỷ USD thâu tóm ‘bộ não thiết kế iPhone’, Apple có nên lo lắng?