Thế giới

Mỹ-Trung có thể làm bùng lên xung đột thương mại giữa hàng loạt quốc gia, chuyện gì đã xảy ra?

Khang Chi 14/01/2025 13:45

Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất phản ánh những khó khăn kinh tế trong nước, bao gồm khủng hoảng bất động sản kéo dài và chi tiêu tiêu dùng yếu kém.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn so với hầu hết hai thập kỷ qua, khiến nước này dễ bị tổn thương trước các biện pháp thương mại mạnh tay từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước trên thế giới năm 2024 đã tăng 5,9% so với năm trước đó, đạt 3,6 nghìn tỷ USD, theo số liệu được công bố vào thứ hai, ngày 13/1. Những con số này cho thấy thương mại đang trên đà chiếm khoảng 1/5 trong mức tăng trưởng khoảng 5% mà Trung Quốc dự kiến báo cáo trong năm nay.

Mỹ-Trung có thể làm bùng lên xung đột thương mại giữa hàng loạt quốc gia, một thành viên BRICS đáp trả bằng 120 biện pháp hạn chế nhập khẩu: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1
Nền kinh tế Trung Quốc hiện phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn so với hầu hết hai thập kỷ qua

Ngoại trừ năm 2021, khi người tiêu dùng trên khắp thế giới mua sắm ồ ạt các thiết bị gia dụng, thiết bị tập thể dục và thiết bị máy tính của Trung Quốc trong thời kỳ phong tỏa vì đại dịch Covid-19, thì đây sẽ là đóng góp lớn nhất của thương mại vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc kể từ năm 2006, khi xuất khẩu của nước này bùng nổ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất phản ánh những khó khăn kinh tế trong nước, bao gồm khủng hoảng bất động sản kéo dài và chi tiêu tiêu dùng yếu kém.

Để đối phó với những thách thức đó và hướng tới tham vọng dài hạn là biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ, một lượng tiền lớn đã đổ vào các nhà máy của nước này. Kết quả là công suất công nghiệp tăng vọt, giá cả giảm mạnh và xuất khẩu tăng mạnh trong các lĩnh vực như thép, hóa chất, ô tô và máy móc.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã vượt kim ngạch nhập khẩu vào năm 2024 với mức thặng dư kỷ lục 992 tỷ USD, không chỉ phản ánh sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ mà còn cho thấy nhu cầu trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ từ thế giới suy giảm.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 4,9%, đạt 525 tỷ USD, bất chấp các mức thuế được áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và được kéo dài dưới thời Tổng thống Joe Biden. Riêng trong tháng 12, xuất khẩu sang Mỹ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, một dấu hiệu cho thấy các công ty và khách hàng Mỹ có thể đang tranh thủ nhập hàng trước các đợt tăng thuế dự kiến.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết tăng thuế lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60%, trong một loạt các động thái thương mại nhằm giảm thâm hụt thương mại kinh niên của Mỹ và đạt các mục tiêu chính sách khác.

Các công ty Trung Quốc hiện gặp khó khăn hơn trong việc ứng phó với các mức thuế tăng so với 5 năm trước, khi ông Trump lần đầu áp đặt thuế quan.

Chi tiêu trong nước yếu kém đã góp phần làm giá hàng hóa sản xuất giảm trong hai năm liên tiếp, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm mạnh và nhiều công ty rơi vào tình trạng thua lỗ.

Các nhà kinh tế cho rằng, mức tăng thuế mạnh như vậy đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ là một cú giáng lớn đối với tăng trưởng, làm giảm GDP trong năm tiếp theo từ 0,5% đến 2,5%, tùy thuộc vào mức độ phản ứng “quyết liệt” của Trung Quốc.

Dẫn đầu xuất khẩu của Trung Quốc là các công ty như BYD, với doanh số xe điện xuất khẩu tăng 72% trong năm 2024, đạt gần 420.000 xe. Trung Quốc năm 2023 đã vượt Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, không chỉ nhờ xe điện mà còn cả xe chạy xăng bán sang Nga.

Mỹ-Trung có thể làm bùng lên xung đột thương mại giữa hàng loạt quốc gia, một thành viên BRICS đáp trả bằng 120 biện pháp hạn chế nhập khẩu: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 2
Trung Quốc năm 2023 đã vượt Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới

Tổng cộng, xuất khẩu xe điện của Trung Quốc trong năm 2024 đạt 1,29 triệu chiếc, tăng 24,3% so với năm trước, theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc.

Khi xuất khẩu của Trung Quốc tăng tốc, sự phản đối từ các quốc gia khác cũng tăng theo. Các thị trường mới nổi lớn đã áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa trước làn sóng hàng giá rẻ. Thép là một “mặt hàng nóng” đặc biệt.

Tại các nền kinh tế phương Tây, lo ngại tập trung vào ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô và năng lượng tái tạo.

Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng 10 đã áp thuế lên tới 45% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, cho rằng các nhà sản xuất được hưởng lợi từ trợ cấp không công bằng. Chính quyền ông Biden năm ngoái cũng áp thuế 100% lên xe điện của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang đặt hy vọng vào việc bù đắp những tổn thất do các mức thuế mà ông Donald Trump cam kết áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc. Họ dự kiến làm điều này thông qua hai hướng chính.

Đầu tiên, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác, tận dụng các cơ hội bán hàng ở những thị trường mới. Hai là kiểm soát và làm yếu đồng nhân dân tệ (RMB), giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ tăng cường việc vay nợ và áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế khác nhằm thúc đẩy và củng cố tăng trưởng của nền kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, rủi ro lớn đối với Trung Quốc là cuộc đối đầu với Washington có thể biến thành xung đột thương mại rộng hơn với các quốc gia khác.

Mỹ-Trung có thể làm bùng lên xung đột thương mại giữa hàng loạt quốc gia, một thành viên BRICS đáp trả bằng 120 biện pháp hạn chế nhập khẩu: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 3
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết tăng thuế lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60%

EU, Brazil, Ấn Độ và các nước khác đang “đau đầu” vì một làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Brazil, một thành viên quan trọng của khối BRICS cũng buộc phải thực hiện hơn 120 biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với Trung Quốc. Cụ thể, nước này đã tăng thuế đối với phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông và thép từ Trung Quốc cũng như một số nước khác.

Một cuộc chiến thương mại mở rộng sẽ khiến Bắc Kinh khó dựa vào xuất khẩu như động lực tăng trưởng, tạo áp lực buộc Chính phủ phải thúc đẩy chi tiêu nội địa yếu kém hoặc chấp nhận tăng trưởng yếu hơn so với mức khoảng 5% dự kiến của năm 2024.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện những bước đi quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế nội địa, bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà, kích thích sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời cung cấp các chương trình chiết khấu cho người tiêu dùng khi họ đổi xe cũ và đồ gia dụng lấy các mẫu mới.

Đồng thời, một chương trình hoán đổi nợ đang được triển khai nhanh chóng nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các chính quyền địa phương - vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt và nợ nần chồng chất.

Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ tài chính mới cho nền kinh tế vào tháng 3, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc họp tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng để duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các khó khăn thương mại ngày càng gia tăng, Bắc Kinh sẽ cần phải tăng cường đáng kể chi tiêu tài chính. Nhiều dự báo cho rằng mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ giảm xuống còn từ 4% đến 4,5%.

Dù vậy, Chính phủ Trung Quốc được cho là không có dấu hiệu từ bỏ trọng tâm vào sản xuất công nghiệp như động lực chính của nền kinh tế. Câu hỏi dài hạn là liệu kinh tế toàn cầu có thể hấp thụ được khối lượng sản phẩm khổng lồ mà Trung Quốc tạo ra hay không?

Stefan Angrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics, cho biết: "Các quốc gia khác trên thế giới không thể hấp thụ toàn bộ sản phẩm mà Trung Quốc sản xuất".

Theo WSJ

>> BRICS gặp ‘báo động’: Quốc gia nòng cốt ‘quay lưng’ với kế hoạch lớn, quá trình phi USD hóa có nguy cơ thất bại hoàn toàn?

Đối diện khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng, siêu cường số một châu Á sẽ lung lay trong 5 năm tới?

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: Thừa nhà, thiếu người

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/mytrung-co-the-lam-bung-len-xung-dot-thuong-mai-giua-hang-loat-quoc-gia-mot-thanh-vien-brics-dap-tra-bang-120-bien-phap-han-che-nhap-khau-chuyen-gi-da-xay-ra-134702.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ-Trung có thể làm bùng lên xung đột thương mại giữa hàng loạt quốc gia, chuyện gì đã xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH