Mỹ vững ngôi cường quốc số 1 thế giới, tham vọng phi USD hóa bị 'dội gáo nước lạnh'
Trong lúc trên toàn thế giới xuất hiện nhiều lời kêu gọi đa dạng hóa để thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, Mỹ lại là điểm đến của 1/3 tổng số vốn đầu tư xuyên biên giới kể từ thời đại dịch Covid-19.
Theo một báo cáo mới được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, tỷ trọng của nước Mỹ trong dòng chảy vốn toàn cầu đã tăng lên chứ không hề giảm đi. Từ mức 18% trước dịch, tỷ trọng của Mỹ đã tăng lên hơn 30%. Tình trạng thiếu USD trong năm 2020 khiến các nhà đầu tư toàn cầu cảnh giác hơn và tăng tích trữ đồng bạc xanh. Đồng thời sự kiện các tài sản Nga bị đóng băng sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine càng khiến nhiều người hoài nghi về sự tự do của dòng vốn toàn cầu.
Các bên đang muốn lật đổ thế thống trị của đồng USD gặp phải một trở ngại cực lớn: lãi suất Mỹ đã bị đẩy lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các nhà đầu tư nước ngoài không thể chối bỏ sức hấp dẫn của đồng USD. Ngoài ra, dưới thời tổng thống Joe Biden, nước Mỹ liên tiếp đưa ra những sáng kiến để phát triển năng lượng sạch và bán dẫn. Những sáng kiến này giúp nền kinh tế số 1 thế giới thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoàn toàn mới có giá trị hàng tỷ USD.
Do đó, dòng vốn toàn cầu đã đảo chiều hoàn toàn. Nếu như trước đại dịch, đích đến lớn nhất là các thị trường mới nổi (trong đó có nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng như vũ bão) thì ở thời điểm hiện tại, đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ đang chứng kiến dòng vốn sụt giảm một nửa.
Dòng vốn toàn cầu không còn hào hứng với các thị trường mới nổi mà bị thu hút bởi đồng bạc xanh |
Theo dữ liệu của IMF, tỷ trọng của Trung Quốc trong dòng chảy vốn đầu tư xuyên biên giới đã giảm từ mức khoảng 7% trong thập kỷ kết thúc vào năm 2019 xuống chỉ còn 3% trong giai đoạn 2021-2023.
Những con số này cho thấy tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực “chiến đấu” để lấy lại mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Dù đã thực hiện nhiều cải cách, dòng vốn FDI vào Trung Quốc vẫn chậm lại tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 4 vừa qua. Trong khi đó với lãi suất đang ở mức rất thấp, các doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ xô ra nước ngoài đầu tư, mua ngoại tệ nhiều nhất kể từ năm 2016.
Không chỉ Trung Quốc, các thị trường mới nổi đang rất cần dòng vốn quốc tế để tăng trưởng và đuổi kịp các nền kinh tế phát triển cũng rơi vào tình thế khó khăn. Trong vài năm gần đây, các quốc gia mới nổi đã liên tục bị rút vốn ròng. Năm ngoái, tổng lượng vốn FDI chảy vào các thị trường mới nổi chỉ đóng góp 1,5% GDP – mức thấp nhật kể từ năm 2000.
Ngược lại, cỗ máy kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt một phần nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào. Ví dụ, Samsung vừa tuyên bố sẽ đầu tư thêm 6,4 tỷ USD mở rộng công suất nhà máy ở Texas.
Câu chuyện sẽ thay đổi một lần nữa nếu chính sách thay đổi ở cả Mỹ và Trung Quốc. Ông Donald Trump đã cam kết sẽ đảo ngược những yếu tố chủ chốt trong chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Bien, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay. Nếu những dự định này trở thành hiện thực, lợi thế của Mỹ và đồng USD sẽ không còn.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo Mỹ không thể tránh khỏi “vách đá tài khóa”, tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng và Chính phủ Mỹ sẽ phải hành động ngay lập tức nếu không sẽ lâm vào khủng hoảng. Điều này còn ảnh hưởng tới danh tiếng “hầm trú ẩn an toàn” mà Trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn sở hữu lâu nay.
>> Đồng minh Mỹ gây sốc khiến thỏa thuận 50 năm sụp đổ, đồng USD bị đe dọa nghiêm trọng